Đồng phạm tội trộm cắp tài sản
Mục lục
Bên cạnh nhưng câu hỏi như tội trộm cắp tài sản là gì, trộm cắp tài sản bị xử phạt như thế nào thì chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề đồng phạm tội trộm cắp tài sản. Như thế nào được coi là đồng phạm, và đồng phạm tội trộm cắp tài sản bị xử lý như thế nào? Cùng Luật sư tố tụng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Đồng phạm tội trộm cắp tài sản
Theo điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…”
Cấu thành tội trộm cắp tài sản:
– Trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở của người bị hại. Hành vi lén lút có thể chỉ xảy ra đối với chủ sở hữu tài sản nhưng ngang nhiên trước mặt người khác.
– Hậu quả của tội phạm này là gây thiệt hại về tài sản cho người bị hại. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản. Nếu một người có ý định trộm cắp tài sản của người khác nhưng chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản mà bị phát hiện thì chưa cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự.
– Được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý với mục đích chiếm đoạt tài sản.
– Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12, Điều 173 Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 3, 4 điều 173 Bộ luật Hình sự; đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với cả những hành vi thuộc khoản 1, 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, một người trộm cắp tài sản được coi là tội phạm khi người này có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi trộm cắp một cách cố ý, giá trị tài sản trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…
Với vai trò đồng phạm được quy định tại điều 17 BLHS 2015 là:
- Người tổ chức: chủ mưu, cầm đầu, lên kế hoạch hành vi phạm tội;
- Người xúi giục: kích động, dụ dỗ người khác thực hiện hành vi phạm tội;
- Người thực hành: trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội;
- Người giúp sức: giúp đỡ về mặt tinh thần, vật chất để thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy đồng phạm tội trộm cắp tài sản thực hiện với lỗi cố ý, hành vi này xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của tội phạm và có thể thực hiện một hoặc nhiều vai trò như trên.
Người giữ hộ tài sản trộm cắp mà có cũng có thể xem là đồng phạm nếu: Có việc lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ giữ tài sản do trộm cắp mà có, và hứa hẹn phân chia lợi ích sau khi trộm cắp tài sản.
Trong trường hợp không có lên kế hoạch trước nhưng biết tài sản đó do trộm cắp mà có mà vẫn giữ hộ mà không tố giác thì sẽ bị truy tố tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 BLHS.
Trường hợp giữ hộ tài sản nhưng không biết tài sản do phạm tội mà có thì không bị truy tố.
2. Hình phạt cho đồng phạm tội trộm cắp tài sản
Tòa án chỉ căn cứ vào những điều sau để quyết định mức xử phạt cho đồng phạm tội trộm cắp tài sản:
- Quy định của Bộ luật hình sự;
- Tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của tất cả những người tham gia vào việc phạm tội;
- Nhân thân của những người đó;
- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự;
- Các tình tiết khác và vai trò đồng phạm.
Hình phạt của đồng phạm không cao hơn hình phạt của những người cùng tham gia phạm tội.
Hình phạt tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:
- Theo như quy định của pháp luật thì hành vi trộm cắp bị khởi tố khi tài sản trộm cắp lớn hơn hoặc bằng hai triệu.
- Trong trường hợp dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Nếu như tài sản bị lấy cắp dưới 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp trên thì người thực hiện hành vi trộm cắp chỉ bị xử lý hành chính.
Vì vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà hành vi trộm cắp tài sản có bị truy tố hay không.
Căn cứ vào từng tình tiết cụ thể của vụ án, mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp, giá trị tài sản trộm cắp, người phạm tội có thể bị xử lý theo các khung hình phạt khác nhau. Cụ thể:
Có 4 khung hình phạt cho tội trộm cắp tài sản:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi vi phạm trị giá từ 02 triệu đồng trở lên; hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp luật định;
- Phạt tù từ 02 đến 07 năm;
- Phạt tù từ 07 đến 15 năm;
- Phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng.