Mức xử phạt nồng độ cồn ô tô mới nhất 2021
Mục lục
Thực trạng sử dụng rượu, bia hay các chất kích thích khi điều khiển ô tô tham gia giao thông đang ngày càng biến động. Chính vì vậy để bảo đảm cho trật tự xã hội cũng như có tính răn đe nên mức xử phạt nồng độ cồn ô tô càng lúc càng nghiêm khắc hơn. Đơn vị đo nồng độ cồn trong máu hay khí thở sẽ là cơ sở để xử lý các hành vi uống rượu, bia của các cá nhân khi điều khiển ô tô tham gia giao thông đường bộ.
Quy định về mức xử phạt nồng độ cồn ô tô
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là cơ sở cho mức xử phạt nồng độ cồn ô tô. Điều 5, Điều 6 Nghị định này quy định chi tiết về khung xử phạt tương ứng đối với các mức vi phạm khác nhau. Theo đó đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ bị xử lý như sau:
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
– Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu về mức xử phạt tốc độ hiện nay
Xử lý trường hợp uống rượu, bia gây tai nạn giao thông
Thông thường, người điều khiển ô tô vi phạm quy tắc về nồng độ đều sẽ bị xử lý hành chính theo cơ sở nêu trên. Nhưng đối với một số trường hợp nghiêm trọng có dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thì hình thức xử phạt có thể chuyển sang hình sự. Khi đó sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 để xử lý. Theo đó nười nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác mà Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.