Nguyên tắc lựa chọn luật sư bào chữa
Quyền bào chữa là một trong những quyền cơ bản của người bị buộc tội và được pháp luật đảm bảo thực hiện. Theo đó, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Hiện nay, việc tham gia bào chữa của luật sư là phổ biến nhất.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm tham gia tố tụng của luật sư bào chữa
Vai trò cơ bản của Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự
Dịch vụ Luật sư tố tụng Phan Law Vietnam
————————————————————————————————————————————————-
Luật sư bào chữa tham gia tố tụng theo sự lựa chọn hoặc theo chỉ định. Trường hợp theo sự lựa chọn, việc lựa chọn luật sư phải được tiến hành theo đúng quy định pháp luật.
Khoản 1 Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn”. Người bị buộc tội, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Ngoài người bị buộc tội, người đại diện hợp pháp hoặc người thân thích của họ cũng có quyền lựa chọn Luật sư bào chữa. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bị buộc tội được thực hiện quyền của mình, đặc biệt là khi họ đang bị tạm giam, tạm giữ, không có điều kiện gặp, lựa chọn luật sư. Theo đó, việc lựa chọn được thực hiện trên cơ sở đơn yêu cầu người bào chữa.
Đối với trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, cơ quan có thẩm quyền đang quản lý họ phải chuyển đơn này cho Luật sư bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ đó sẽ chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Đối với trường hợp người đang bị tạm giam thì trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam đó, cơ quan có thẩm quyền đang quản lý họ có trách nhiệm chuyển đơn này cho Luật sư bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam đó phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa (Khoản 3 Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Như vậy, lựa chọn Luật sư bào chữa chỉ được thực hiện bởi một số chủ thể nhất định. Đồng thời, tùy theo từng trường hợp của người bị buộc tội mà cách thức lựa chọn và trình tự thủ tục có sự khác biệt nhất định. Vì vậy, những quy định này rất cần thiết để những người có quyền lựa chọn luật sư và luật sư được lựa chọn nắm rõ nhằm đảm bảo quyền bào chữa được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.