Những ai có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa?
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Người bào chữa có thể là: Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 77 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định những người có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa, bao gồm:
- Người bị buộc tội;
- Người đại diện của người bị buộc tội;
- Người thân thích của người bị buộc tội. Hiện nay chưa có Nghị quyết hướng dẫn về thuật ngữ “ người thân thích” theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, tham khảo quy định tại mục 4 phần I Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì người thân thích của người bị buộc tội bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột của người bị buộc tội.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù là do người đại diện hay người thân thích của người bị buộc tội yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì vẫn đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án. Ngoại trừ trong trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi thì người người đại diện của người bị buộc tội hoặc người thân thích của người bị buộc tội có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa mà không cần sự đồng ý của người bị buộc tội này.
Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị cử người bào chữa thì người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.