Nhận diện chiêu trò lừa đảo đầu tư trên Telegram
Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, lừa đảo đang dần trở nên phổ biến cùng nhiều chiêu trò và hình thức khác nhau. Bên cạnh các chiêu thức như mạo danh công an, nhân viên ngân hàng gọi điện cho người dân yêu cầu nộp phạt hoặc hủy dịch vụ,… đã xuất hiện thêm chiêu trò lừa đảo đầu tư trên Telegram. Do đó, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin để nhận diện hình thức lừa đảo này.
1. Vạch trần chiêu trò lừa đảo đầu tư trên Telegram
Lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,… đã trở thành một hiện tượng không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta. Tuy nhiên, những đối tượng lừa đảo này đã lấn sang cả Telegram để thực hiện hành vi của mình.
Về cơ bản, Telegram là một ứng dụng khá hữu ích, tính năng bảo mật tương đối cao, lưu trữ được các file có dung lượng lớn và chỉnh sửa được tin nhắn đã gửi. Thế nhưng, cũng chính bởi sự bí mật khi sử dụng cùng với việc không thể chuyển tiếp tin nhắn hoặc chụp cuộc trò chuyện bí mật,… nên nhiều đối tượng đã lợi dụng điểm này để lừa đảo đầu tư trên Telegram. Theo đó, có hai hình thức lừa đảo phổ biến như sau:
1.1. Tạo kênh, xây dựng hội nhóm kiếm tiền
Hiện nay, có khá nhiều hình thức kiếm tiền thông qua việc đầu tư trên Telegram nhưng nổi bật nhất chính là việc xây dựng các group, tạo kênh cũng như tạo bot theo sáng tạo của người sử dụng:
- Hình thức hoạt động của ứng dụng này sẽ tạo dựng nên các bot kiếm tiền. Thông thường đó sẽ là xem quảng cáo và nhận coin. Khi lượng coin đã đạt đến mức yêu cầu, người sử dụng có thể rút coin về tài khoản của mình.
- Hình thức tạo nhóm, kênh để kiếm tiền thực chất chỉ là nơi chia sẻ cách kiếm tiền, kiểm coin, tiền ảo,… bởi Telegram giới hạn số lượng nhóm cao hơn các nền tảng mạng xã hội khác.

Như vậy, với hai hình thức trên, có thể nhận thấy, về căn bản, Telegram sẽ không lừa đảo. Tuy nhiên, những đối tượng thực hiện hành vi này sẽ lợi dụng, trà trộn vào hội nhóm, lôi kéo, rủ rê người dùng để kiếm tiền. Khi người dùng tin tưởng làm theo yêu cầu của chúng thì khả năng cao sẽ không được nhận hoa hồng hoặc nhấn phải đường dẫn đen, có thể dẫn đến mất tiền, bị hack tài khoản,…
1.2. Đánh vào tâm lý người sử dụng
Để lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia đầu tư, những đối tượng lừa đảo đầu tư trên Telegram trước hết phải tạo dựng niềm tin đến công chúng, những người sử dụng ứng dụng này. Thông thường, chúng sẽ thực hiện những thủ đoạn sau:
- “Đánh bóng” bản thân bằng việc đăng tải những tấm hình thể hiện sự giàu sang như dùng đồ hiệu, đi xe xịn, mua nhà cao cấp hoặc đi du lịch những nơi đắt tiền,…
- Xây dựng hình tượng là những người chuyên đọc lệnh đầu tư. Ban đầu, để tạo dựng niềm tin, những kẻ lừa đảo sẽ cho người dùng một số lợi nhuận nhỏ từ các lệnh mà chúng đưa ra. Khi “con mồi” đã mắc bẫy, ham muốn được nhiều tiền của, sẽ sẵn sàng chi số tài sản lớn, đầu tư ngày càng nhiều thì lúc đó chúng mới hành động. Thông thường, chúng sẽ ôm trọn số tiền và bỏ trốn, sau đó chối bỏ trách nhiệm đối với người dùng.
2. Khi bị lừa đảo trên Telegram thì phải làm gì?
Lừa đảo đầu tư trên Telegram hiện nay cũng khá nhiều người mắc phải. Do đó, việc tìm kiếm giải pháp khắc phục là điều cũng dễ hiểu. Vì vậy, trong phần này, chúng tôi sẽ đưa ra một số cách thức thực hiện khi bạn rơi vào hoàn cảnh như trên.
Tuy nhiên, cần lưu ý, khi bắt gặp bất kỳ đối tượng nào mời gọi, dụ dỗ đầu tư, người dùng cần phải cảnh giác, bất kể họ có khẳng định về mức độ uy tín của mình. Chúng tôi khuyến khích người dùng nên ghi âm, chụp màn hình tin nhắn, thu thập những thông tin, dữ liệu phòng ngừa trường hợp xấu nhất xảy ra.
Khi bị lừa đảo đầu tư trên Telegram, bên cạnh việc cảnh báo đến người thân, nạn nhân có thể tiến hành tố cáo với Cơ quan chức năng để được giải quyết thông qua các hình thức sau đây:
- Gọi điện đến đường dây nóng của các cơ quan công an có thẩm quyền của từng tỉnh, thành phố nơi kẻ lừa đảo cư trú hoặc nơi cư trú của bạn đang sinh sống. Ngoài ra, có thể liên hệ đến số điện thoại của Phòng An ninh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao 069.219.4053.
- Gửi trực tiếp đơn tố cáo đến cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan điều tra công an các cấp. Tuy nhiên, cần phải kèm theo chứng cứ, chứng minh cũng như các giấy tờ chứng minh nhân thân.

3. Tố giác hành vi lừa đảo đầu tư trên Telegram
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với trường hợp lừa đảo đầu tư trên Telegram, tùy theo mức độ mà người thực hiện hành lừa đảo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị phạt tù. Ở mức nhẹ nhất, căn cứ theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ – CP, người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt từ 02 – 03 triệu đồng. Đối với hình phạt tù sẽ được căn cứ theo Điều 174 bộ luật Hình sự 2015.
Vì vậy, có thể thấy, tố giác lừa đảo là một biện pháp an toàn bởi người dùng hoàn toàn được Cơ quan Nhà nước bảo hộ, buộc những kẻ thực hiện hành vi này đều bị trừng trị thích đáng. Đồng thời, việc tố giác còn góp phần làm “sạch” mạng xã hội, đem lại sự lành mạnh cho tất cả cộng đồng sử dụng Telegram.