Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tù từ bao nhiêu năm?
Mục lục
Phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Do đó, trong pháp luật hình sự đã có những chế tài xử phạt đối với các hành vi mua, bán, lôi kéo người khác sử dụng,… nhằm mục đích răn đe, buộc những người phạm tội phải chịu trách nhiệm từ hành vi của mình. Vậy đối với tội cưỡng bức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tù từ bao nhiêu năm?
1. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng ma túy được hiểu như thế nào?
Theo Điều 9 của Thông tư 17/2007/TTLT – BCA – VKSNDTC – TANDTC – BTP, sửa đổi bổ sung Thông tư 08/2015/TTLT – BCA – VKSNDTC – TANDTC – BTP quy định như sau:
“9. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
9.1 “Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ.
9.2 “Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy”.
Như vậy, có thể hiểu, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là một tội danh mà người thực hiện hành vi này sẽ dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, hay các thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần, buộc đối phương phải sử dụng ma túy theo ý muốn của họ. Do vậy, người có hành vi này phải chịu chế tài nghiêm khắc từ pháp luật mà cao nhất có thể bị tù chung thân.
2. Tội cưỡng bức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tù từ bao nhiêu năm?
Cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy là một loại tội danh rất nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Không chỉ xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bị cưỡng bức, lôi kéo mà còn gián tiếp tạo ra những gánh nặng cho xã hội, thậm chí tệ nạn và những bất ổn khác.
Theo số liệu của Bộ Công An, số người nghiện ma túy từ hồ sơ quản lý tiếp tục gia tăng qua các năm. Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây, tính đến tháng 12/2020, cả nước có khoảng 235/012 người nghiện ma túy, chiếm 0,24% dân số cả nước, tăng trên 10% so với năm 2016. Trong đó, có 14,5% người nghiện đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện, 20,5% đang bị giam giữ tại các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Tuy nhiên, vẫn có đến 65% người nghiện đang sinh sống ngoài xã hội. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn những tệ nạn, các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật đã có những chế tài xử lý đối với những hành vi cưỡng bức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy – một trong những nguyên nhân gây gia tăng người nghiện. Căn cứ theo Điều 257 và 258 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người phạm tội danh trên sẽ phải chịu chế tài như sau:
2.1. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, người thực hiện hành vi cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ chịu trách nhiệm hình sự từ 02 đến 07 năm đối với khung hình phạt nhẹ nhất. Trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, mức phạt tù sẽ từ 20 năm hoặc tù chung thân.
2.2. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy
1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
e) Đối với 02 người trở lên;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Vì vậy, người có hành vi trên sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với khung phạt thứ nhất. Nếu làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc cao nhất là chung thân.