Ô tô vượt đèn đỏ bị xử lý như thế nào?
Mục lục
Ô tô vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm phổ biến ở nước ta, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính người điều khiển phương tiện và những người khác khi tham gia giao thông. Vì thế, pháp luật đã có những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh thực trạng này. Tùy thuộc vào từng loại phương tiện sẽ có quy định và chế tài xử phạt khác nhau. Điều này dựa theo tính chất, mức độ nguy hiểm của các phương tiện đó. Vậy nếu xe ô tô đu vượt đèn đỏ sẽ bị xử lý thế nào?
Tính cấp thiết phải chấp hành đèn tín hiệu đỏ
Ý nghĩa của các màu trong đèn tín hiệu giao thông được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông 2008. Theo đó, khi đèn đỏ được bật lên, mọi phương tiện phải dừng trước vạch dừng, trừ một số trường hợp ngoại lệ cho phép người điều khiển phương tiện tiếp tục đi. Có thể thấy, việc chấp hành đèn tín hiệu đỏ có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể như sau:
- Đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.
- Thực hiện đúng quy định pháp luật.
- Tạo một môi trường tham gia giao thông lành mạnh.
- Nâng cao văn hoá khi tham gia giao thông.
- Hạn chế những hậu quả về người và tài sản, hư hại công trình giao thông.
Như vậy, mỗi chủ thể khi điều khiển phương tiện cần chấp hành các quy định của Luật giao thông nói chung và tín hiệu đèn đỏ nói riêng. Thực trạng cho thấy, nhiều người khi tham gia giao thông cố tình vi phạm, xem thường kỷ cương pháp luật. Một số xe vượt đèn đỏ, khi cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, người điều khiển còn liều vòng tránh để chạy. Thậm chí có trường hợp lao thẳng vào cảnh sát giao thông.
Chính vì ý thức văn hoá giao thông “kém”, nên hiện nay số người bị thương và số người chết vẫn còn là con số tương đối lớn. Điều này còn trở thành gánh nặng của người thân, gia đình và toàn thể xã hội. Do đó, khi tham gia giao thông, chấp hành đèn tín hiệu đỏ là nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của từng cá nhân.
Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ với mô tô, xe gắn máy
Xử phạt mô tô, xe gắn máy vượt đèn đỏ được quy định tại điểm e, khoản 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Theo đó, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời, theo điểm b khoản 10 Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển loại phương tiện trên sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu gây ra tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Đối với trường hợp vi phạm mà đã có cảnh sát giao thông ngăn chặn, nhưng vẫn cố ý chống đối, tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
Ô tô vượt đèn đỏ bị xử lý thế nào?
Theo điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ của ô tô đã có sự thay đổi. Cụ thể như sau:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.”
Đồng thời, căn cứ theo điểm b, c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều 5 sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Đồng thời, nếu gây ra tai nạn sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Như vậy, người điều khiển ô tô vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và bị tước Giấy phép lái xe trong thời hạn nêu trên. Vì thế, để không bị xử phạt vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.