Sử dụng pháo hoa nổ ngày Tết có phạm luật không?
Mục lục
Mỗi dịp Tết đến xuân về, tiếng pháo hoa đã trở thành âm thanh quen thuộc không thể thiếu, đặc biệt vào thời khắc giao thừa. Thế nhưng, nhiều cá nhân lại coi đây là một “trò chơi” thú vị nên đã sử dụng tùy tiện loại pháo này để đốt trước thời khắc chuyển giao đầy thiêng liêng kia. Vậy hành vi sử dụng pháo hoa nổ ngày Tết có phạm luật không?
1. Sử dụng pháo hoa nổ ngày Tết có phạm luật không? Đối tượng được sử dụng pháo hoa
Do pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết có ý nghĩa rất lớn đến người dân, đánh dấu sự thịnh vượng, một năm mới tràn ngập an khang và hạnh phúc nên việc sử dụng loại pháo này tương đối nhiều. Vậy hành vi đó có bị coi là vi phạm pháp luật không và đối tượng nào thì được phép sử dụng pháo nổ, pháo hoa?
1.1. Sử dụng pháo ngày Tết có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Nghị định 13/2020/NĐ – CP thì người dân được phép sử dụng pháo hoa thông thường:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, đối với loại pháo hoa thông thường được xác định là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của nhiệt, hóa,… sẽ tạo ra màu sắc, ánh sáng, âm thanh không gây tiếng nổ thì người dân được sử dụng.
Ngược lại, việc sử dụng pháo nổ ngày Tết, bị Nhà nước tuyệt đối nghiêm cấm. Điều này xuất phát từ sự an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người dân trên cả nước. Vì thế sử dụng pháo hoa nổ trái phép không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
1.2. Đối tượng được sử dụng pháo hoa nổ
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ – CP, có thể nhận thấy, đối tượng được sử dụng pháo hoa nổ chính là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn phải tuân theo hướng dẫn về thời gian sử dụng pháo hoa nổ, cụ thể như sau:
- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao, tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên Đán.
2. Tại sao người dân không nên sử dụng pháo hoa nổ?
Hiện nay, những cá nhân, tổ chức kinh doanh các loại sản phẩm về pháo đều phải tuân thủ gắt gao theo sự điều chỉnh của pháp luật. Do vậy, rất ít có trường hợp bán hàng cho người dân về sản phẩm pháo hoa nổ một cách tùy tiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có tình trạng nhà bán vì lợi nhuận nên sẵn sàng bán cho người dân loại pháo này. Một số lý do người dân không nên sử dụng pháo hoa nổ trái phép bao gồm:
- Gây thiệt hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính mình và của người khác.
- Gây ô nhiễm môi trường.
- Vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài xử phạt tùy theo mức độ hậu quả của hành vi.
Không những vậy, nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả hàng kém chất lượng thì mức độ nghiêm trọng sẽ càng khó lường. Chính để đảm bảo người dân có một cái Tết vui vẻ và an toàn, Nhà nước đã đưa ra mức sử phạt đối với hành vi sử dụng pháo hoa nổ ngày Tết.
3. Sử dụng pháo hoa nổ trái phép bị xử phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ – CP, mức phạt tiền sẽ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng pháp hoa nổ ngày tết, thuốc pháo trái phép.
Đồng thời, người có hành vi này có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 09 tháng đến 12 tháng.
Ngoài ra, người sử dụng pháo hoa nổ trái phép còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
4. Sử dụng pháo hoa nổ trái phép có bị xử lý hình sự không?
Theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TT – BCA – VKSNDTC – TAND có quy định việc xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng pháo hoa nổ trái phép bên cạnh các quy định về tội buôn lậu pháo hoa. Tội danh trong trường hợp này có thể sẽ thuộc trường hợp tội gây rối trật tự công cộng, nếu:
- Đốt pháo ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người.
- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy.
- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;
- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;
- Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.