Xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm bản quyền
Mục lục
Bên cạnh việc xử lý dân sự, hành chính đối với hành vi vi phạm bản quyền, khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
1. Người vi phạm bản quyền bị xử lý hình sự khi nào?
Các yếu tố cấu thành tội hình sự của người vi phạm bản quyền được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ thể phạm tội
Là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự hiện hành.
Thứ hai, mặt khách thể
Xâm phạm đến quyền tác giả, quyền liên quan được pháp luật bảo hộ.
Thứ ba, mặt chủ quan
Chủ thể phạm tội được thực hiện với lỗi cố ý.
Thứ tư, mặt khách quan
- Về hành vi: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện bằng các hành vi sau mà không xin phép hoặc xin phép nhưng chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chưa/không đồng ý:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình: Là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình, như: In ấn thành sách, photocopy, ghi băng… các tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình: Là việc kinh doanh (bán, cho thuê,…) các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình trên thị trường hoặc bằng hình thức khuyến mại (khi bán các hàng hóa khác) bằng các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình.
- Về hậu quả: Các hành vi trên chỉ cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan nếu vi phạm với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng – dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả: Hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả trên.
2. Cần làm gì khi phát hiện hành vi vi phạm bản quyền?
Bị hại của hành vi vi phạm bản quyền chính là nạn nhân bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản, danh dự, uy tín do tội phạm gây ra. Tuy nhiên, một nạn nhân chỉ được xác định là bị hại nếu được chứng minh thông qua quy trình tố tụng của một vụ án hình sự.
Khi một nạn nhân được xác định là bị hại thì họ có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án hình sự và có các quyền và nghĩa vụ nhất định của mình, trong đó có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Để bảo quyền và lợi ích hợp pháp một cách tối đa, chủ thể bị hại nên thuê Luật sư để được hỗ trợ pháp lý. Luật sư sẽ thay mặt bị hại cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật,… cho cơ quan chức năng để chứng minh hành vi vi phạm. Đồng thời, đại diện bị hại tham gia quá trình tố tụng hình sự.
3. Vi phạm bản quyền sẽ bị xử lý như thế nào?
Khi có đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thì chủ thể vi phạm sẽ phải chịu chế tài như sau:
Khung 1: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng – 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hình phạt đối với pháp nhân thương mại:
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
4. Dịch vụ xử lý hành vi vi phạm bản quyền tại Phan Law Vietnam
Dịch vụ Luật sư tại Phan Law Vietnam đã được nhiều Khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Tại đây, Luật sư có bề dày kinh nghiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết thành công nhiều vụ án hình sự.
Do đó, sẽ hỗ trợ hiệu quả cho Quý Khách hàng trong các vấn đề sau:
- Tư vấn và đưa ra phương hướng xử lý về các vấn đề có liên quan đến vụ án;
- Chuẩn bị giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để làm việc với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết;
- Tham gia tố tụng hình sự trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại;
- Làm đơn khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…
Chúng tôi cam kết cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp với chất lượng cao cùng các giải pháp sáng tạo, toàn diện nhất cho các vấn đề Quý Khách hàng để gặp phải.