Cấu thành tội phạm là gì? Phân loại cấu thành tội phạm
Mục lục
Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng (khách quan và chủ quan) được quy định trong Luật Hình sự thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm.
Tội phạm là gì?
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã đưa ra khái niệm tội phạm như sau:
“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”
Cấu thành tội phạm là gì? Các yếu tố cấu thành tội phạm
Cấu thành tội phạm là tổng thể các dấu hiệu pháp lý đặc trưng (khách quan và chủ quan) được quy định trong Luật Hình sự thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm, tức là căn cứ vào các dấu hiệu đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.
Cấu thành tội phạm cơ bản bao gồm 04 yếu tố sau: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể.
1. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Những dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm gồm những hành vi nguy hiểm cho xã hội: tính trái pháp luật của hành vi; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm; ngoài ra còn có các dấu hiệu khác nhau như: phương tiện, công cụ, phương pháp thủ đoạn, thời gian, địa điểm, thực hiện tội phạm.
2. Mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm: lỗi, mục đích, và động cơ phạm tội. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều phải được thực hiện bởi hành vi có lỗi. Theo quy định của pháp luật, có hai loại lỗi: lỗi cố ý và lỗi vô ý phạm tội.
3. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Theo hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam những quan hệ đó là: quan hệ về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. . .những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của luật hình sự.
Phân loại cấu thành tội phạm theo quy định hiện hành
Hiện nay, cấu thành tội phạm được phân loại như sau:
1. Cấu thành tội phạm hình thức
Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có duy nhất một yếu tố bắt buộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi gây thiệt hại cho xã hội hoặc hành vi tạo ra khả năng gây ra các thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội là làm một việc mà pháp luật hình sự cấm không được làm. Ví dụ: hành động giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự); cướp tài sản (Điều 133 Bộ luật hình sự)…..
Còn hành vi phạm tội được thực hiện dưới dạng không hành động là trường hợp không làm một việc mà pháp luật bắt buộc phải làm, như các hành vi: không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 Bộ luật hình sự);
2. Cấu thành tội phạm vật chất
Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra
3. Cấu thành tội phạm hỗn hợp
Cấu thành tội phạm hỗn hợp là loại cấu thành tội phạm mà các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của cấu thành tội phạm vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm hình thức, vừa có yếu tố của cấu thành tội phạm vật chất.