Quy định về tội đánh bạc theo Bộ Luật Hình sự mới nhất
Mục lục
Đánh bạc là một trong những vấn nạn xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho đời sống của những người xung quanh. Pháp luật hình sự mới nhất có những quy định xử phạt nghiêm đối với các hành vi này, nhằm răn đe, xử lý và hạn chế tình trạng tội phạm trong đời sống hàng ngày.
Đánh bạc là gì?
Đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức một cách bất hợp pháp, đồng thời mang các lợi ích vật chất, tài sản của các chủ thể tham gia để làm phần thưởng cho người chiến thắng. Hoạt động đánh bạc có thể dẫn đến rất nhiều các hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản như: trộm cắp, cố ý gây thương tích, giết người nhằm cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,… Vì vậy, đánh bạc được xếp vào một trong những loại tội phạm phổ biến, gây nguy hại cho xã hội.
Luật hình sự mới nhất quy định về tội đánh bạc như thế nào?
Pháp luật hình sự mới nhất có quy định về chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm đánh bạc tại Điều 321 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Tuy nhiên, để xác định một hành vi có được xem là tội phạm đánh bạc hay không, cần xác minh dựa trên 04 yếu tố cấu thành của tội phạm: Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan trên hành vi phạm tội.
Tổ chức đánh bạc có bị xử lý hình sự hay không?
Không chỉ cá nhân tham gia đánh bạc mới bị xử lý hình sự, hành vi rủ rê, lôi kéo, chuẩn bị công cụ phương tiện để cho hành vi đánh bạc diễn ra để thu lợi bất chính từ việc tổ chức đánh bạc; hay hành vi cho phép người khác đánh bạc trong địa điểm do mình quản lý, sử dụng, hay còn gọi là hành vi chứa chấp việc đánh bạc đều là những hành vi có thể cấu thành tội phạm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 322 Bộ Luật hình sự mới nhất, sửa đổi bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”