Tội phạm lừa đảo công nghệ cao và mức xử phạt hành chính
Mục lục
Trong những năm gần đây, tình hình về lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên rất phổ biến. Vậy, tội phạm lừa đảo này có những loại nào và mức xử phạt hành chính như thế nào? Hãy cùng Luật sư tố tụng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu về các loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Theo Điều 285 đến Điều 294 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội phạm lừa đảo công nghệ cao được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực mạng viễn thông, công nghệ thông tin. Cụ thể như sau:
- Tội mua bán, trao đổi, sản xuất, tặng các loại công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật;
- Tội phát tán những chương trình tin học gây hại cho hoạt động mạng viễn thông, máy tính, phương tiện điện tử;
- Tội gây rối loạn, cản trở hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử;
- Tội đưa và sử dụng trái phép thông tin mạng viễn thông, mạng máy tính;
- Tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc phương tiện điện tử của đối tượng khác;
- Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử nhằm mục đích thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
- Tội tàng trữ, thu thập, mua bán, trao đổi và công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng;
- Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho việc cấp cứu, an toàn, cứu hộ, tìm kiếm, quốc phòng, an ninh, cứu nạn;
- Tội cố ý gây tín hiệu nhiễu có hại.
Với tội lừa đảo công nghệ cao, mức phạt tù cao nhất của tội phạm này lên tới 20 năm.
Xem thêm: Lừa đảo qua mạng xã hội Facebook
2. Các mức xử phạt hành chính đối với tội phạm lừa đảo công nghệ cao
Sẽ có từng mức xử phạt khác nhau đối với từng trường hợp, cụ thể như sau:
2.1 Vi phạm về việc sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản
Tội phạm lừa đảo công nghệ cao với mục đích chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
- Phạt tiền từ 30.000.000 – 50.000.000 vnđ đối với những hành vi lợi dụng phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng viễn thông, Internet với mục đích chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức có trị giá dưới 2.000.000 vnđ;
- Phạt tiền từ 70.000.000 – 100.000.000 vnđ đối với một trong những hành vi sau:
- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cá nhân hoặc một tổ chức với mục đích chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 vnđ.
- Thiết lập nên hệ thống hoặc cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước nhằm phục vụ cho mục đích lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 2.000.000 vnđ.
- Trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng của một tổ chức hoặc cá nhân nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản, thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 2.000.000 vnđ.
Ngoài việc xử phạt tiền, những người vi phạm có thể bị phạt bổ sung và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm đã được quy định tại Khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
2.2 Vi phạm về việc gây nhiễu có hại
Đối tượng lừa đảo công nghệ gây nhiễu có hại sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 vnđ với những hành vi sử dụng thiết bị điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có bức xạ vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ, không thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện và quản lý tương thích điện từ.
- Phạt từ 2.000.000 – 3.000.000 vnđ với việc sử dụng vô tuyến điện thuộc danh mục thiết bị vô tuyến được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ điều kiện kỹ thuật hoặc không đúng theo quy định của cơ quan Nhà nước.
- Phạt từ 5.000.000 – 10.000.000 vnđ với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan Nhà nước.
- Phạt từ 10.000.000 – 30.000.000 vnđ với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan Nhà nước.
- Phạt từ 70.000.000 – 100.000.000 vnđ với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại cho thông tin vô tuyến dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn, an ninh, quốc phòng khi có yêu cầu ngừng sử dụng thiết bị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức phạt bổ sung:
- Thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tử từ 1 đến 3 tháng.