Lừa vay vốn qua mạng: Chiêu trò và cách xử lý
Mục lục
Lừa vay vốn qua mạng là một hình thức lừa đảo khá tinh vi. Những kẻ lừa đảo này thường hướng đến những đối tượng đang gặp vấn đề về tài chính, chưa thực sự hiểu biết nhiều trong lĩnh vực này,… Do đó, để ngăn chặn tình trạng này ngày càng lan rộng, chúng tôi sẽ đưa ra những cảnh báo về các chiêu trò lừa vay vốn thông qua Internet.
1. Những chiêu trò phổ biến của hình thức lừa vay vốn qua mạng
Hiện nay, có rất nhiều chiêu trò do các đối tượng lừa đảo áp dụng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, một số chiêu thức phổ biến là:
1.1. Lừa đảo vay tiền qua Facebook, Zalo
Trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok,… có rất nhiều hội nhóm cho vay tiền khác nhau, kèm theo đó là những lời quảng cáo “đường mật”, lãi suất thấp mà không cần điều kiện gì. Chính vì vậy, đã có rất nhiều người đang mắc các vấn đề về tài chính bị dính phải cạm bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng này.
Đầu tiên, khi đăng ký vay, những đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển trước cho họ 10% số tiền làm phí hồ sơ hoặc bảo hiểm của khoản vay. Thế nhưng, sau khi đã đóng thì không nhận được bất cứ khoản vay nào, đồng thời sẽ bị chặn hết mọi thông tin liên lạc.
1.2. Mạo danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính
Các ngân hàng và công ty tài chính đã liên tục cảnh báo về các hành vi lừa đảo. Những đối tượng này sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính, sau đó sẽ chủ động liên hệ đến bạn và đưa ra yêu cầu đề nghị vay vốn.
Đồng thời, chúng chuyên nghiệp đến mức có thể đưa ra các minh chứng là nhân viên ngân hàng cùng các bước đăng ký vay như đúng quy định. Tuy nhiên, nếu không tinh ý, bạn có thể dễ dàng mắc phải chiêu trò lừa đảo này.
Vì vậy, hiện nay nhiều người rất quan ngại khi nhân viên ngân hàng gọi đến và mặc định ngân hàng hoặc công ty tài chính đó lừa đảo vay tiền. Thế nhưng thực chất là do những kẻ mạo danh lừa đảo thực sự gây nên.
1.3. Dụ dỗ vay nhiều app liên tiếp
Vay tiền qua app không còn quá xa lạ nữa. Tuy nhiên, trong trường hợp bị lừa đảo vay tiền, những kẻ này sẽ lấy thông tin của khách hàng và chủ động liên hệ để giới thiệu về những app vay tiền khác. Chúng sẽ đánh vào tâm lý của khách hàng như miễn lãi suất trong lần đầu vay hoặc đưa ra những chương trình ưu đãi “khủng”.
Tuy nhiên, đến khi giải ngân, bạn sẽ không nhận được toàn bộ số tiền vay mà chỉ nhận được một phần. Thậm chí, nhiều khả năng bạn sẽ không nhận được đồng nào. Cho đến khi khách hàng không thể chi trả, những đối tượng này sẽ gửi link tải app khác để vay tiền trả nợ, dẫn đến việc nợ chồng chất không thể chi trả. Đây là hình thức lừa đảo qua mạng được các đối tượng sử dụng rất nhiều.
1.4. Đăng ký vay tiền nhưng không được giải ngân
Trường hợp này sẽ diễn ra khi bạn đăng ký vay tiền ở một địa điểm không uy tín. Khi đó, chỉ cần nộp hồ sơ, bạn đã được phê duyệt một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó lại không được giải ngân số tiền đã vay, còn số nợ vẫn hiện hữu trên giấy tờ. Bên cạnh đó, những đối tượng này sẽ gọi bạn chuyển tiền trước 10% đến 20% số tiền đã vay thì số tiền mới được giải ngân. Nếu không chuyển thì vẫn bị mắc nợ xấu.
Khi rơi vào tình huống lừa đảo vay tiền này, chắc chắn nhiều người sẽ hoang mang, lo lắng, hoặc trong tình thế “đâm lao phải theo lao”. Điều đó dẫn đến chuyển tiền cho những tên lừa đảo này và tất nhiên vừa bị tính lãi suất cao, vừa mất thêm tiền phí.
Bên cạnh 4 chiêu trò lừa đảo vay tiền phổ biến trên, sẽ còn những chiêu trò tinh vi khác khiến cho người có nhu cầu vay vốn bị rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”. Do đó, hãy tỉnh táo để tránh đặt bản thân của mình vào những tình huống như vậy.
2. Khi bị lừa vay vốn qua mạng thì phải làm sao?
Khi gặp phải tình huống lừa đảo vay tiền này, việc đầu tiên bạn phải bình tĩnh để xử lý vụ việc. Theo đó, có các cách thức để khắc phục thiệt hại như sau:
- Thông báo, nói chuyện với gia đình để tìm ra giải pháp đúng đắn nhất. Gia đình sẽ đưa cho bạn những lời khuyên hữu ích, đặc biệt trong tình thế mất bình tĩnh, bất an của bạn lúc bấy giờ.
- Nếu số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, bạn có thể trình báo Cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn các thủ tục, hoàn thành hồ sơ tố giác để được giải quyết. Việc giải quyết và xử lý tội phạm sẽ được căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, nếu số tiền bị lừa đảo chỉ rơi vào khoảng mấy trăm nghìn thì đây chắc chắn là bài học kinh nghiệm cho bạn.
- Đăng thông tin lên mạng xã hội, những tin nhắn, bằng chứng để cảnh báo với mọi người về hành vi lừa đảo.
- Nếu có người quen biết về lĩnh vực công nghệ, bạn có thể nhờ họ tìm ra thông tin của kẻ lừa vay vốn qua mạng. Sau đó liên hệ và yêu cầu chúng thực hiện biện pháp hòa giải thay vì để bị tố giác. Khi đe dọa sẽ trình báo đến Cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều khả năng bên lừa đảo sẽ hoang mang và trả lại số tiền cho bạn.