Bạo hành ngôn từ có bị đi tù không?
Mục lục
Dân gian có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hàm ý muốn nói về cách sử dụng ngôn từ khi giao tiếp. Thế nhưng trong thực tế hiện nay không ít người sử dụng ngôn từ “bạo lực” tác động xấu đến tinh thần, tâm lý của người khác. Vậy bạo hành ngôn từ là gì? Có vi phạm pháp luật hay không và có phải ngồi tù không? Cùng lắng nghe những giải đáp đến từ các Luật sư của chúng tôi qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
2. Bạo hành ngôn từ được hiểu là gì?
Bạo hành ngôn từ (hay còn được gọi là lăng mạ ngôn từ hoặc lăng mạ trực tiếp) là hành vi sử dụng ngôn ngữ để tấn công, xúc phạm, nói xấu người khác hoặc gây thương tổn tinh thần cho người khác. Đây là một hình thức bạo hành vi mà người ta thường thực hiện thông qua việc sử dụng từ ngữ gắn với lời lẽ thô tục, đánh đồng, gian dối hoặc xúc phạm người khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Nó có thể xảy ra trong nhiều ngữ cảnh khác nhau bao gồm: trường học, nơi làm việc, mạng xã hội, gia đình và trong các mối quan hệ khác.
Hành vi bạo hành ngôn từ có thể gây hại nghiêm trọng cho tâm lý, tinh thần và tâm hồn của người bị áp lực. Nó có thể gây ra cảm giác thất vọng, mất tự tin, lo lắng, và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm và lo âu.
3. Bạo hành ngôn từ có bị coi là vi phạm pháp luật?
Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp về bạo hành ngôn từ. Tuy nhiên, dựa theo quy định của Bộ luật Dân sự và từ khái niệm bạo hành ngôn từ nêu trên có thể thấy việc bạo hành này sử dụng lời nói để xúc phạm tới nhân phẩm, danh dự, uy tín của người.
Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Mặt khác, tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục cụ thể hoá quyền này như sau:
“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”
Từ các quy định trên có thể thấy pháp luật quy định mỗi người đều được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, pháp luật đã gián tiếp khẳng định hành vi bạo hành ngôn từ là vi phạm quy định pháp luật và bị xử lý theo mức phạt tương ứng với mức độ và hậu quả của hành vi gây ra.
4. Xử lý hành vi bạo hành ngôn từ như thế nào?
Với hành vi bạo hành ngôn từ tuỳ theo mức độ sẽ áp dụng hình thức xử lý cho phù hợp, có thể là xử lý hành chính và nặng hơn là xử lý hình sự, cụ thể như sau:
4.1. Xử lý trách nhiệm hành chính
Nếu hành vi bạo hành ngôn từ ở mức độ nhẹ, người có hành vi bạo hành về tinh thần có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định cụ thể như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Và biển pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai nếu nạn nhân yêu cầu và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm”.
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
- Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
- Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 54; và buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều 54.
4.2. Xử lý trách nhiệm hình sự
Người có hành vi bạo lực tinh thần có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo quy định tại Điều 155, 156 Bộ luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 lần lượt quy định về tội làm nhục người khác và tội vu khống như sau:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội…
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi …”
Như vậy, mặc dù quyền tự do ngôn luận là của mỗi người nhưng chúng ta không được xâm phạm làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu không chúng ta có thể bị xử lý theo các hình thức khác nhau, nhẹ là xử lý vi phạm hành chính và nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người bị bạo hành ngôn từ còn có quyền yêu cầu người gây ra hành vi này bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất theo quy định của pháp luật dân sự.
5. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý khi bị bạo hành ngôn từ
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng bạo hành ngôn từ, hãy liên hệ ngay với Luật sư Tố tụng của chúng tôi theo hotline 0794.80.8888 hoặc điền thông tin cá nhân và yêu cầu hỗ trợ trong bảng form bên dưới. Bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, chúng tôi sẽ giúp bạn đưa ra phương án xử lý tối ưu và hữu hiệu nhất.