Chiêu trò lừa đảo yêu cầu đóng tiền bảo lãnh tại ngoại
Mục lục
Lừa đảo là một thực trạng xã hội khó tránh khỏi. Những đối tượng này sẽ lợi dụng tình trạng khó khăn, đồng thời đánh vào tâm lý của người khác để đưa ra các chiêu trò “phù hợp”. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này đang diễn ra ngày một phổ biến, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ phân tích chiêu trò lừa đảo yêu cầu đóng tiền bảo lãnh tại ngoại. Đây là một trong những hình thức lừa đảo tinh vi mà nhiều người chưa thực sự biết đến.
1. Chiêu trò lừa đảo yêu cầu đóng tiền bảo lãnh tại ngoại
Bên cạnh các hình thức lừa đảo trúng thưởng, lừa vay tiền, mạo danh người khác lừa đảo thì hiện nay còn xuất hiện lừa đảo tiền bảo lãnh tại ngoại. Đánh vào tâm lý lo sợ khi phạm tội hoặc trạng thái lo lắng của người có hành vi vi phạm pháp luật, những kẻ lừa đảo sẽ áp dụng chiêu thức yêu cầu đóng tiền bảo lãnh tại ngoại. Thông thường, các bước để chúng thực hiện sẽ được tiến hành như sau:
Bước 1: Giả mạo công an gọi điện nhằm khai thác thông tin cá nhân
Trước khi thực hiện bước này, đầu tiên, những tên lừa đảo sẽ thu thập số điện thoại của gia đình hoặc bản thân người phạm tội. Sau đó, chúng giả danh công an điều tra để gọi điện và khai thác thông tin cá nhân. Những thông tin của các đối tượng này hướng đến sẽ là họ tên, Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân, địa chỉ thường trú,…
Bước 2: Làm giả lệnh bắt với nhiều tội danh
Khi hoàn tất việc thu thập thông tin của các cá nhân nêu trên, những kẻ lừa đảo sẽ làm giả lệnh như lệnh bắt, lệnh tạm giam,… Sau đó, sẽ gửi về địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của nạn nhân với nhiều tội danh rất nghiêm trọng như buôn ma túy, lừa đảo,…
Do đó, kể cả không thực hiện hành vi đối với các tội danh nêu trên, nạn nhân vẫn trở thành tội phạm trên các giấy tờ giả mạo. Điều này không quá bất ngờ bởi khi chúng đã nắm bắt thông tin của các cá nhân thì việc “biến” một người vô tội thành có tội là chuyện dễ hiểu.
Bước 3: Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để được tại ngoại
Sau khi gửi lệnh tạm giam, tạm giữ, lệnh bắt nạn nhân, các đối tượng này liên tục gọi điện làm phiền nạn nhân và giục yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản sẵn có mà chúng đưa ra. Nếu thực hiện hành vi này nhanh chóng thì nạn nhân sẽ được bảo lãnh tại ngoại. Ngoài ra, chúng có thể yêu cầu nạn nhân tự đăng ký tài khoản ngân hàng và chuyển tiền vào đó. Tuy nhiên, phải cung cấp cho các đối tượng trên thông tin tài khoản như mật khẩu, mã OTP.
2. Nộp tiền tại ngoại có thực hay không?
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ thực hiện chiêu trò yêu cầu nộp tiền để bảo lãnh tại ngoại. Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Như vậy, khi vi phạm pháp luật có thể đặt tiền để bảo đảm.
Thế nhưng, không phải hành vi nào cũng được đóng tiền để tại ngoại. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cùng với nhân thân, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo. Như vậy, các trường hợp được nộp tiền để bảo lãnh tại ngoại sẽ là:
- Người không bị tạm giam theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
- Làm giấy cam đoan như giấy triệu tập, không bỏ trốn/ tiếp tục phạm tội, không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối,…
3. Bảo lãnh tại ngoại nộp tiền như thế nào?
Do bảo lãnh là một biện pháp ngăn chặn cho nên pháp luật cũng quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Khi thuộc trường hợp được nộp tiền bảo lãnh tại ngoại, người có hành vi vi phạm pháp luật hoặc người thân của bị can, bị cáo sẽ không thực hiện theo hình thức chuyển khoản như các đối tượng trên thông báo. Việc thực hiện sẽ tiến hành theo quy trình như sau:
Bước 1: Người thân bị can, bị cáo làm giấy cam đoan về việc thực hiện nghĩa vụ.
Bước 2: Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để đảm bảo.
Bước 3: Cơ quan điều tra có văn bản gửi Viện kiểm sát phê chuẩn việc áp dụng biện pháp đặt tiền.
4. Nên làm gì khi bị lừa đảo đặt tiền bảo lãnh tại ngoại?
Khi gặp được các đối tượng lừa đảo tiền bảo lãnh tại ngoại gọi điện cho bạn, yêu cầu đặt tiền bảo lãnh để được tại ngoại, nên thực hiện những hành động sau:
- Hỏi rõ ràng thông tin của người đang gọi điện xem công an cấp nào, địa chỉ làm việc, họ tên để ngầm xác định được. Thông thường, những đối tượng lừa đảo khi bị hỏi những thông tin này sẽ nhanh chóng cúp máy để tránh bị lộ hành vi của mình.
- Nếu bản thân không có hành vi vi phạm pháp luật nên để ý và hỏi rõ về căn cứ những đối tượng kia xác định là có tội. Khi xét thấy không đúng thì chắc chắn đó là lừa đảo.
- Thu thập các căn cứ, bằng chứng để tố giác đến Cơ quan có thẩm quyền. Đối với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì những kẻ lừa đảo tiền bảo lãnh tại ngoại sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Để ý đến số tài khoản ngân hàng, nếu có tên của cá nhân thì cần cẩn trọng bởi khả năng cao đây chính là cái bẫy lừa đảo tiền bảo lãnh tại ngoại.
- Thông báo cho người nhà để tránh trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự.