Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng như thế nào?
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối làm cho người quản lý hoặc chủ tài sản tin tưởng và giao tài sản của họ cho người phạm tội.
Vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng
Gần đây, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đó có bà Châu Thị Thu Nga nguyên là Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà ở. Từ năm 2008 bà Nga đã ký hợp đồng đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự tại khu đất B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên công trình này chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhưng bà Nga đã đưa thông tin sai sự thật để người mua ký hợp đồng mua nhà ở hình thành trong tương lai. Tổng số tiền bà Nga thu được khoảng 377 tỉ đồng, đến nay số tiền mà bà Nga đã chiếm đoạt không trả lại được cho khách hàng khoảng 342,5 tỉ đồng.
Đây là hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tâm lý, quyền và lợi ích của rất nhiều người, chính vì vậy bà Nga phải chịu hình phạt thích đáng để làm gương cho toàn xã hội.
Theo Khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự hiện hành và những dữ liệu trên ta có thể thấy bà Nga đã dùng hành vi lừa dối khách hàng để chiếm đoạt một số tiền rất lớn, và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình. Đối với số tiền mà bà Nga đã chiếm đoạt được có giá trị trên năm trăm triệu đồng và có thể bị phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân.
Dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối được hiểu là những thông tin không đúng sự thật, những thông tin giả này được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như lời, hành động, chữ viết, cung cấp giấy tờ giả mạo,… để tạo lòng tin, sự tin tưởng từ người bị hại, từ đó họ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Hành vi chiếm đoạt tài sản được hiểu là việc dịch chuyển tài sản một cách trái phép từ người bị hại sang cho người chiếm đoạt. Sau khi người bị hại phát hiện mình bị lừa dối thì người chiếm đoạt đã không trả lại tài sản hoặc không còn khả năng để trả lại số tiền đó cho người bị hại.
Ý chí của người thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao giờ cũng nảy sinh mục đích chiếm đoạt tài sản trước, sau đó mới thực hiện hành vi lừa đảo để có thể dễ dàng lợi dụng sự tin cậy từ người bị hại.
Hiện nay hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản càng gia tăng với thủ đoạn thực hiện rất tinh vi, đây là hành vi thu lợi bất chính từ người bị hại, do vậy mọi người cần phải đề phòng và tố giác người có hành vi vi phạm.