Thủ tục tố tụng hành chính năm 2022
Mục lục
Bên cạnh ngành luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự thì tố tụng hành chính được ít người biết hơn vì nó có tuổi đời nhỏ hơn so với hai ngành luật còn lại. Mỗi ngành luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội riêng góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong mối quan hệ tố tụng hành chính. Vậy thủ tục tố tụng hành chính được diễn ra như thế nào? Cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để biết rõ hơn.
1. Thủ tục tố tụng hành chính
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tố tụng hành chính được phân thành các giai đoạn chính sau:
1.1. Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính
Một khi cá nhân, cơ quan nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào khác thấy rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án hành chính giải quyết.
Trước khi khởi kiện thì cá nhân, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức khác phải tiến hành khiếu nại với cơ quan hành chính mà họ cho rằng quyết định, hành vi hành chính của cơ quan đó là trái pháp luật. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì có thể khiếu nại lên cơ quan, người cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính.
Sau khi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, nếu không thuộc những trường hợp trả lại đơn thì Tòa án phải thụ lý vụ việc.
1.2. Chuẩn bị xét xử
Giai đoạn này, Toà án hành chính thực hiện các công việc chuẩn bị như:
- Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu,….
- Khi xét thấy cần thiết Toà có thể thu thập chứng cứ, xem xét tại chỗ, trưng cầu giám định;
- Sau khi nhận thấy việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ, Toà hành chính phải xem xét và đưa ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ giải quyết vụ án.
1.3. Xét xử sơ thẩm
Hội đồng xét xử vụ án hành chính bao gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân.
Phiên Tòa sơ thẩm được tiến hành khi có mặt đầy đủ đương sự, người đại diện hợp pháp của họ.
Các quyết định của Hội đồng xét xử phải do các thành viên của hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số.
1.4. Xét lại bản án và quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm
Nhằm bảo vệ quyền lợi của các đương sự, pháp luật tố tụng hành chính cũng như các ngành luật tố tụng khác có quy định về quyền được kháng cáo.
Không chỉ có các đương sự mà Viện kiểm sát cũng có quyền kiến nghị yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại bản án được xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Giai đoạn này có nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm và vi phạm của toà án cấp sơ thẩm, bảo đảm việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất.
Tính chất của việc xét lại bản án và quyết định theo thủ tục phúc thẩm là việc toà án cấp trên trực tiếp xét lại những bản án sơ thẩm và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hay kháng nghị. Bản án và quyết định của toà án cấp phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm có ba thẩm phán và nhiệm vụ quyền hạn tương tự như phiên tòa sơ thẩm.
1.5.Xét lại bản án, Quyết định đã có hiệu lực của pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm
Việc kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát được thực hiện yêu cầu khi có đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Các chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm cần chú ý thời hạn được quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.
1.6. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án.
Những người không thi hành bản án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lí kỉ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thẩm quyền của Tòa án trong Tố tụng hành chính
Để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính cần xem xét ba yếu tố như sau: Thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ.
2.1. Thẩm quyền theo vụ việc
Quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định thẩm quyền giải quyết các kiếu kiện của Tòa án như sau:
“1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
2. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
3. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
4. Khiếu kiện danh sách cử tri.”
2.2. Thẩm quyền theo cấp Tòa án
Thẩm quyền xét xử theo cấp Tòa án cho chúng ta biết Tòa án nào được quyền tiếp nhận xét xử sơ thẩm khiếu kiện hành chính. Hiện nay chúng ta biết thẩm quyền xét xử sơ thẩm thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện theo như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Để biết được cụ thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh nào, Tòa án nhân dân cấp huyện nào được phép xét xử khiếu kiện hành chính chúng ta cần xem xét tới thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ.
2.3. Thẩm quyền theo lãnh thổ
Hai loại thẩm quyền theo lãnh thổ và theo cấp Tòa án không thể tách rời nhau trong việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính. Theo đó:
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những khiếu kiện hành chính được quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015;
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết những khiếu kiện hành chính được quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính 2015.