Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Nguồn gốc và ý nghĩa
Mục lục
20/11 là một sự kiện quan trọng, thể hiện ý nghĩa rất lớn lao về truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã có từ lâu đời trong lịch sử dân tộc. Do đó, cứ mỗi dịp 20/11 đến, các bạn học sinh, sinh viên sẽ dâng những bó hoa thơm tri ân người thầy, người cô của mình. Vậy nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 xuất phát từ đâu?
1. Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam
Vào tháng 1/1946, một tổ chức quốc tế nhà giáo đã được thành lập ở thủ đô Pháp. Tổ chức này có tên là FISE, được dịch sang tiếng Việt sẽ là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục.
Sau 3 năm, vào năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, FISE đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” bao gồm 15 chương với nội dung nói chủ yếu là về cuộc đấu tranh chống nền tư sản, phong kiến. Đồng thời, xây dựng nền giáo dục tốt đẹp, bảo vệ quyền lợi cũng như đề cao trách nhiệm, vị trí của người thầy.
Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng trở thành một trong những thành viên của FISE. Vào ngày 20/11/1958 ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tại toàn miền Bắc Việt Nam. Vài năm sau đó, ngày 20/11 đã được tổ chức ở nhiều vùng giải phóng ở miền Nam.
Kể từ khi đất nước được thống nhất thì ngày 20/11 thực sự trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Đến 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 – HĐBT xác định ngày 20/11 hằng năm sẽ là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
Về cụ thể vấn đề này đã được quy định tại Điều 1, 2, 3 của Quyết định này. Do đó, khi ngày 20/11 diễn ra, rất nhiều bó hoa cũng như lời chúc được gửi đến các thầy, cô nói riêng và toàn ngành giáo dục nói chung với tấm lòng tri ân sâu sắc.
2. Thực hiện ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 như thế nào?
Theo Quyết định 167 – HĐBT, để ngày Nhà giáo Việt Nam được trọn vẹn ý nghĩa, nhà trường cũng như Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải thực hiện các nhiệm vụ như sau:
“Điều 2.- Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hàng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình; kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hình thức sinh hoạt phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt hơn nhiệm vụ cao cả của mình.
Điều 3.- Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.
Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”.
3. Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam
Mỗi khi dịp 20/11 vừa đến, các trường học trong cả nước lại nô nức các hoạt động văn nghệ, mít tinh kỷ niệm chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thông thường, các hoạt động tiêu biểu sẽ diễn ra là dựng trại, cắm hoa, tri ân với nhiều lời chúc tốt đẹp,… Cũng vào dịp này, tất cả các thế hệ học sinh, dù đương nhiệm hay là cựu học sinh đều dành thời gian để chia sẻ, tri ân đến các thầy cô.
Ngày 20/11 chính là dịp lễ tri ân lớn của toàn ngành Giáo dục, ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày ngành giáo dục đánh giá lại hoạt động giáo dục, lập phương hướng nhằm nâng cao chất lượng dạy học, hiệu quả nhận thức và tiếp thu của học sinh, sinh viên.
4. Tại sao cần phải tri ân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
Nhà giáo Việt Nam là một ngày lễ trọng đại được nhiều người hưởng ứng. Không chỉ tôn vinh các thầy cô giáo về công lao, trách nhiệm đối với sự nghiệp “chèo lái” con thuyền đưa học sinh đến bến bờ tri thức, mà còn là dịp để thể hiện lòng biết ơn của người học.
Nhiều quan niệm cho rằng, nghề giáo rất nhàn. Ngoài việc đứng trước bục giảng, người dạy sẽ không “đầu tắt mặt tối”, vất vả lấm lem, mệt nhọc. Thế nhưng, những gì mà các thầy cô giáo phải trải qua đều không phải dễ dàng. Để dạy một học sinh trở thành công dân tốt, biết cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cần có rất nhiều mồ hôi, công sức, trí tuệ và thậm chí là cả nước mắt.
Coi trọng tôn vinh những người thầy đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ ngàn đời nay. Đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ thể hiện tinh thần ấy, tiêu biểu đó là:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Do đó, tri ân ngày 20/11 là nghĩa cử cao đẹp nên làm và cần phải làm. Điều này góp phần duy trì truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta. Đồng thời, đây cũng được coi là nguồn động lực lớn lao cho những người thầy, người cô, nhắc nhở ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên trước nỗ lực, cố gắng mà thầy cô đem lại.