Lừa đảo trúng thưởng qua mạng bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Trong xã hội hiện nay, Internet hay mạng viễn thông đã không còn quá xa lạ với mọi người. Hằng ngày, chúng ta đều lướt web, xem phim giải trí hoặc có thể làm việc trực tiếp mà không phải đến tận nơi. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích đó là nhiều chiêu trò lừa đảo trúng thưởng diễn ra. Những đối tượng này sẽ lợi dụng lòng tham, sự thiếu hiểu biết của người khác để thực hiện ý đồ của mình. Vậy tội danh lừa đảo này bị pháp luật xử lý như thế nào?
1. Vạch trần chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua mạng
Nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, nhiều đối tượng lừa đảo đã áp dụng hình thức lừa đảo trúng thưởng thông qua mạng điện tử. Sau đây, chúng tôi sẽ vạch trần các chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng cực kỳ “tinh vi” này để bạn dễ dàng nhận diện.
1.1. Mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng
Sau khi gọi điện thông báo trúng thưởng, những đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu bạn phải mua sản phẩm của một nhà cung cấp theo bên đó chỉ định để nhận được phần thưởng này. Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ thì có thể sẽ dễ dàng “sập bẫy” và chắc chắn, khi bạn đã bị rơi vào vòng tròn lừa đảo, số tiền bạn bỏ ra cũng không thể lấy lại được.
1.2. Nhắn tin trúng thưởng qua Facebook hoặc Shopee
Với chiêu trò lừa đảo qua mạng này, bạn sẽ nhận được tin nhắn đến từ tài khoản lạ với nội dung “Chúc mừng tài khoản messenger/ shopee… đã may mắn nhận được giải đặc biệt/ giải nhất trong sự kiện này…”. Thông thường, phần thưởng của những đối tượng lừa đảo đưa ra khá lớn, đó có thể là chiếc xe máy, số tiền lên đến mấy trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, sẽ có đường link lạ trong tin nhắn, và bạn sẽ phải nhấp vào đó theo yêu cầu của tài khoản này thì mới được nhận thưởng. Và khi bạn đã làm tương tự như chỉ dẫn, chắc chắn số tiền trong tài khoản của bạn sẽ bị hack và bạn sẽ chẳng nhận được phần thưởng như được thông báo. Chiều trò lừa đảo qua mạng này ngày càng phổ biến.
1.3. Gọi điện thông báo trúng thưởng
Đây là chiêu trò phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo trúng thưởng thường áp dụng. Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ tìm đến số điện thoại cá nhân của một đối tượng bất kỳ để thông báo trúng thưởng.
Thông thường, để tạo uy tín, chúng thường tự xưng là nhân viên siêu thị, nhân viên của các sàn thương mại điện tử,…Và tất nhiên, chúng sẽ lấy thông tin của bạn nếu bạn để số điện thoại của mình trên trang cá nhân, hoặc hội nhóm nào đó ở các trang mạng Internet.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là những kẻ lừa đảo qua mạng này sẽ yêu cầu bạn phải đóng một khoản tiền lớn để tham gia hoặc cọc để nhận giải thưởng và hứa hẹn sau khi trao giải sẽ trả lại. Và khi người dân tin tưởng chuyển tiền theo số tài khoản đó xong, những đối tượng này sẽ chặn số liên lạc và mất hút chỉ trong vài phút.
2. Lừa đảo trúng thưởng qua mạng bị xử lý như thế nào?
Khi dính bẫy lừa đảo qua mạng, việc cần làm là bạn nên thu thập thông tin, chứng cứ, dữ liệu đã trao đổi với đối tượng nêu trên như tin nhắn, số điện thoại, tài khoản Facebook, sao kê ngân hàng,…. Sau đó, đem tất cả những gì thu thập được đến công an xã, phường nơi cư trú để trình báo và làm thủ tục khởi kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, khi tìm ra được đối tượng lừa đảo, việc xử lý sẽ dựa theo căn cứ quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, sẽ có 04 khung hình phạt chính, bao gồm:
Khung hình phạt 1:
Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Khung hình phạt 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
Khung hình phạt 3:
Phạm tội lừa đảo qua mạng hoặc lừa đảo nói chung thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung hình phạt 4:
Phạm tội lừa đảo qua mạng hoặc lừa đảo nói chung thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.