Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Mục lục
Xã hội ngày càng phát triển, mạng xã hội không còn là thế giới ảo mà còn là nơi hoạt động của những tội phạm ẩn danh. Một hiện tượng nổi cộm trong thời gian qua chính là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Vậy pháp luật quy định như thế nào về loại tội phạm này, chế tài xử lý ra sao…..Bài viết hôm nay chúng tôi cùng bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này.
1. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng
Là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại. Vì vậy hành vi lừa đảo qua mạng xã hội hoàn toàn có thể truy cứu Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bao gồm:
- Thủ đoạn giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án: Đây là loại tội phạm có tổ chức, chúng sử dụng công nghệ chuyển đổi cuộc gọi Internet thành cuộc gọi thoại, gọi điện giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Bưu điện… thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như: ma túy, rửa tiền, tai nạn giao thông…, chúng làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan Công an để đe doạ, sau đó yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp. Thông qua ứng dụng này để chúng chiếm đoạt tài sản của bị hại;
- Thông qua các hình thức bán hàng qua mạng: Đối tượng giả danh người cung cấp hàng hóa giá rẻ, giá hời và lừa người mua chuyển tiền trước nhưng không giao hàng;
- Thông qua tài khoản mạng xã hội: Đối tượng chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; lừa chuyển tiền,….
- Thủ đoạn cho vay tiền qua app tín dụng: Nhóm đối tượng sau khi thuyết phục được bị hại vay thường sẽ gửi các đường link kết nối với CH Play để bị hại tải các ứng dụng này về điện thoại và làm theo hướng dẫn của App. Bị hại đăng nhập số tài khoản vào thì hệ thống luôn luôn báo nhập thiếu, sai, thừa một số tài khoản nên hợp đồng vay bị khóa, đây là 1 thủ đoạn của đối tượng tạo cho bị hại tình thế cấp thiết, muốn vay bằng được. Đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền cọc vào để mở lại, tiếp sau đó phải chuyển tiền để giải ngân.
2. Chế tài xử lý Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
2.1. Xử phạt hành chính hành vi lừa đảo qua mạng
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể phải chịu mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể phải đối mặt với các mức hình phạt sau:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp:
- Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Tài sản chiếm đoạt trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng rơi vào các trường hợp: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175, 290 Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trong trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt.
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp: chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
2.3. Hình phạt bổ sung đối với hành vi lừa đảo qua mạng
Người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng tin nhắn chỉnh sửa còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.