Hành vi cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ Luật Hình sự
Mục lục
Luật hình sự là hệ thống các quy phạm pháp luật nhằm xác định những hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm và quy định hình phạt có thể áp dụng cho người đã thực hiện tội phạm đó. Xã hội ta ngày này đã phát triển , tuy nhiên tình hình tội phạm cũng diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có cả những tội về xâm phạm đến tính mạng của con người. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các hành vi cấu thành tội phạm qua bài viết dưới đây:
Cấu thành tội phạm là gì?
Tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và được quy định trong Bộ luật hình sự. Những hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng mức độ ảnh hưởng xã hội không đáng kể thì không được coi là tội phạm.
Cấu thành tội phạm là các dấu hiệu pháp lý đặc trưng (cả về mặt khách quan và chủ quan) được quy định trong Bộ Luật Hình sự thể hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể là tội phạm, tức là căn cứ vào các dấu hiệu đó một hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm.
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Các yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm:
Về mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là biểu hiện của tội phạm ra ngoài thế giới khách quan, bao gồm hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, phương pháp, thời điểm, …. thực hiện tội phạm. Cụ thể các dấu hiệu của mặt khách quan của tội phạm được thể hiện như sau:
- Về hành vi khách quan
Dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm đó là hành vi khách quan, tức là phải có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu một người thực hiện hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội, không thực hiện hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ thì không thể coi là tội phạm. Hành vi nguy hiểm được thể hiện bằng việc thực hiện hay không thực hiện hành động thuộc các trường hợp cấm của luật. Người thực hiện hành vi biết hoặc có nghĩa vụ phải biết việc mình làm hay không thực hiện hành động gây nên nguy hiểm cho xã hội thì sẽ có hành vi khách quan để cấu thành tội phạm.
- Về hậu quả
Hậu quả thực tế xảy ra là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại vật chất gồm những thiệt hại đo đếm được về lượng, xác định được về mức độ như tỷ lệ tổn thương cơ thể, tài sản bị mất, hư hỏng, suy giảm, chết người, …Thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại không xác định được về chất, về lượng, về mức độ như xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm (ví dụ như tội vu khống, tội làm nhục người khác), tư tưởng của Đảng, chính sách (ví dụ như tội phá hoại chính sách đoàn kết, tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội,…), …. Hậu quả có ý nghĩa quan trọng để xác định tính chấ và, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Hậu quả tác hại càng lớn thì mức độ nguy hiểm của tội phạm càng cao.
Về mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là biểu hiện bên trong của tội phạm. Đó là những dấu hiệu về mặt tâm lý, tư tưởng của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội bao gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích của tội phạm.
- Về dấu hiệu lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện hành vi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả do hành vi đó của mình gây ra, đây là dấu hiệu bắt buộc phải có ở mọi tội phạm. Lỗi bao gồm lỗi cố ý (cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp) và lỗi vô ý (vô ý vì quá tự tin, vô ý vì cẩu thả).
Về chủ thể của tội phạm
Chủ thể tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 gồm hai đối tượng: cá nhân và pháp nhân thương mại.
- Về năng lực trách nhiệm hình sự:
Trong quy định của pháp luật hình sự, cụm từ “tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” và được giải thích đó là trong lúc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì người đó bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Chỉ loại trừ trường hợp trên, chủ thể được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là những mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại.
Những mối quan hệ được Bộ luật hình sự 2015 ghi nhận mà khi chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thì sẽ có thể cấu thành tội phạm, đó là: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, những vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.