Mang trang sức vàng từ nước ngoài về Việt Nam như thế nào cho đúng luật?
Câu hỏi: Anh tôi đi du lịch Campuchia có mua trang sức bằng vàng mang về Việt Nam, khi qua cửa khẩu bị hải quan giữ lại. Tôi muốn hỏi làm cách nào để người dân bình thường có thể mua sắm và mang trang sức bằng vàng từ nước ngoài về Việt Nam?
Trả lời:
Tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-NHNN, quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất nhập cảnh, có hướng dẫn những trường hợp như sau:
- Cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu, mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.
- Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp đeo trên người phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; tuy nhiên, nếu tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên thì vẫn phải khai báo với cơ quan Hải quan.
Xem thêm: Quy định về chống buôn lậu, hàng giả
Như vậy, trong mọi trường hợp, người dân xuất cảnh, nhập cảnh, nếu mang vàng trang sức từ nước ngoài qua cửa khẩu, mà khối lượng trên 300g, phải khai báo hải quan.
Tuy nhiên, nếu cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới thì sẽ bị cấm không được mang theo vàng trang sức, trừ trường hợp đeo trên người làm đẹp.
Vi phạm những quy định này, người dân có thể bị xử lý hành chính theo khoản 2, khoản Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“2. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng Việt Nam;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000. 000 đồng Việt Nam;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ngoài ra, tuỳ theo mức độ, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới tại Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức phạt tù cao nhất đến 10 năm.
Tác giả: Kim Ngân