Bị lừa đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản phải làm sao?
Mục lục
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hiện nay, trên các trang mạng xã hội có rất nhiều người bán hàng online. Điều này nhằm thúc đẩy quá trình giao lưu, trao đổi các mặt hàng giữa người mua và người bán một cách thuận tiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lại xuất hiện thêm những đối tượng lợi dụng lòng tin của người khác để nhằm thu lợi bất chính. Vậy trong trường hợp bị lừa đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải làm sao?
Thủ đoạn, phương thức lừa đảo khi mua hàng online
Thông thường, đa phần người dân bị lừa đảo khi thực hiện mua hàng trên các nền tảng xã hội. Những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thủ đoạn vô cùng tinh vi với nhiều phương thức khác nhau.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, trước tiên chúng “đánh đòn tâm lý” vào các cá nhân mua hàng với mong muốn giá cả thấp hơn so với thị trường. Bước tiếp theo, các đối tượng này sẽ đưa ra một số phản hồi của khách hàng “ảo” với nội dung khen hàng tốt, chất lượng để người mua dễ dàng tin tưởng.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài sản này còn áp dụng chiêu thức thanh lý đồ cũ như tivi, tủ lạnh, máy móc,... Sau đó, hối thúc người mua bằng cách, nếu không chuyển khoản đặt cọc, cơ hội mua những món này sẽ là của người khác. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền cọc từ đối phương, người rao bán lập tức chặn ngay hoặc thậm chí xóa luôn tài khoản và thông tin cá nhân để khó bị nắm bắt và nhận diện.
Bên cạnh đó, các đối tượng này thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, ít hình ảnh, hoặc thậm chí còn mua lại từ những cá nhân khác. Đây chính là thủ đoạn, phương thức lừa đảo phổ biến khi mua hàng online.
Bị lừa đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản thì phải làm sao?
Khi gặp phải trường hợp bắt đặt cọc, người mua cần lưu ý kiểm tra thông tin cá nhân người bán dựa trên các khía cạnh bạn bè liên hệ, ảnh, trường lớp theo học, ngày tháng năm sinh,… Ngoài ra, nếu thấy đối phương thúc giục liên tục việc chuyển khoản mà không đi sâu vào việc giới thiệu chất lượng sản phẩm hoặc tình trạng hàng hóa (đối với đồ cũ), thì cần cảnh giác.
Trong trường hợp bị thiệt hại tài sản do hành vi lừa đảo gây ra, người mua có thể làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan chức năng có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Cụ thể được quy định như sau:
Khởi kiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khi phát hiện có dấu hiệu và hành vi lừa đảo, các cá nhân có thể đến Công an xã nơi người bán cư trú. Trong trường hợp không xác định được người rao bán ở đâu, thì sẽ đến Công an xã nơi chính người mua hàng cư trú. Tuy nhiên, cần phải đưa ra những bằng chứng chứng minh như đoạn tin nhắn mua hàng, số điện thoại, thông tin cá nhân trên Facebook,…
Sau đó, người bị lừa đảo sẽ thực hiện thủ tục khởi kiện lừa đảo tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo Điều 22 Luật Tố cáo 2018. Việc xử lý sẽ căn cứ theo Điều 23 của Luật này, cụ thể quy định như sau:
- Trường hợp tố cáo thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo, họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo. Ngoài ra, còn có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo, người bị tố cáo và thông tin khác có liên quan.
- Trường hợp tố cáo trực tiếp tại Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung bằng văn bản yêu cầu người tố cáo ký tên. Trong nội dung văn bản sẽ được ghi rõ như trường hợp tố cáo bằng đơn.
Đồng thời, Điều luật này cũng khẳng định Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức và tiếp nhận tố cáo. Đồng thời, người tố cáo phải đến đúng địa chỉ tiếp nhận để giải quyết tố cáo đã công bố.
Các cách giải quyết khác khi bị lừa đảo
Trên thực tế, cách giải quyết trên không được nhiều người áp dụng. Mặc dù việc giải quyết sẽ đảm bảo tính hợp pháp, đem lại hiệu quả cho người tố cáo thế nhưng nó vẫn có những hạn chế nhất định. Đó có thể là thời gian chờ giải quyết, thủ tục rắc rối, chi phí thực hiện,… Do đó, thông thường khi gặp phải hành vi lừa đảo và bị mất một số tiền cực kỳ lớn, họ mới tố cáo đến Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Vì vậy, nếu gặp những trở ngại trên, các cá nhân có thể nhờ người tìm ra thông tin chính xác của kẻ lừa đảo để giải quyết ổn thỏa theo hình thức thỏa thuận. Nếu không tìm được kẻ lừa đảo, người mua nên đăng tải những minh chứng lên các hội nhóm nhằm giảm thiểu tình trạng lừa đảo. Ngoài ra, có thể truy xuất thông tin cá nhân của người lừa đảo qua số tài khoản ngân hàng, đe doạ trình báo để những đối tượng này phải hoàn trả số tiền đã lấy.