Thủ tục khởi kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Mục lục
Những tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gây bức xúc trong xã hội và nạn nhân. Nhiều cá nhân không biết cách để bảo vệ quyền lợi của mình. Vì vậy, bài viết hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu thủ tục khởi kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi là lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo là hành vi đặt tiền đề cho hành vi chiếm đoạt tài sản diễn ra. Hành vi chiếm đoạt tài sản là kết quả của việc lừa đảo.
Việc lừa dối tức là hành vi đưa ra những thông tin sai sự thật, thông tin giả vì muốn người khác xem là sự thật. Hành vi lừa dối có thể là bằng lời nói, tin nhắn hay bằng hành động như trình giấy tờ,…
Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt tài sản.
Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không bị các bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Hiện nay xuất hiện các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng như lợi dụng mạng xã hội. Thông qua mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản của người khác.
2. Thủ tục khởi kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Để thực hiện việc tố cáo, cần có trình tự tố cáo được quy định theo Luật tố cáo như sau:
Bước 1: Làm đơn tố cáo, nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền. (Qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan)
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý thông tin
Bước 3: Xác minh nội dung tố cáo
Bước 4: Kết luận nội dung tố cáo
Bước 5: Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo
Bước 6: Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo
Người bị chiếm đoạt tài sản có thể làm đơn tố giác đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
Khi tố cáo tội phạm bạn cần chuẩn bị chứng cứ được quy định tại Điều 87, Điều 89, Điều 99, Điều 100, Điều 101 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
- Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Nếu cơ quan điều tra xác định không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và ra quyết định không khởi tố thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện tranh chấp dân sự.
Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về đơn khởi kiện như sau:
“4. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.“