Buôn lậu vàng phạm tội gì?
Mục lục
Lợi dụng sự chênh lệch giá vàng giữa thị trường thế giới và thị trường Việt Nam nên các đối tượng buôn lậu vàng để hưởng khoản tiền chênh lệch. Hành vi này là hành vi bị cấm theo quy định của bộ Luật Hình sự. Vậy buôn lậu vàng phạm tội gì ? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn vấn đề.
1. Buôn lậu vàng phạm tội gì?
Theo quy định tại Điều 188 BLHS 2015 quy định về tội buôn lậu thì:
“1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”;
Do đó, đối tượng của tội buôn lậu là: hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá và hàng cấm. Cụ thể:
- Hàng hoá là vật phẩm được làm ra trong qua trình sản xuất, có giá trị và được đem trao đổi trong thị trường như buôn lậu thuốc lá, hàng điện tử,…
- Tiền Việt Nam bao gồm tiền, ngân phiếu, trái phiếu và các loại thẻ tín dụng hoặc giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
- Ngoại tệ là đồng tiền của nước ngoài dùng cho việc thông thương và mậu dịch;
- Kim khí quý gồm: Vàng, bạc, bạch kim…
- Đá quý: Kim cương, Rubi, Saphia, Emorot và những đá quý tự nhiên khác có giá trị tương đương;
- Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá bao gồm: tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá được lưu giữ bảo quản tại các di tích, bảo tàng, nhà lưu niệm danh nhân; tài liệu về cơ sở sinh vật học, nhân chủng học, hiện vật khảo cổ học bằng mọi chất liệu, mọi loại hình; bia ký, gia phả, tiền cổ…v.v… do Nhà nước quy định;
- Hàng cấm là những mặt hàng mà Nhà nước cấm kinh doanh, sản xuất, lưu hành, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam, như: vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng và phương tiện kỹ thuật chuyên dùng của lực lượng vũ trang; các sản phẩm văn hoá phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách; các loại pháo; các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người và gia súc, thuốc bảo vệ thực vật và các loại trang thiết bị, dụng cụ y tế chưa được phép sử dụng tại Việt nam; thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục công ước quốc tế và các loại động thực vật quý hiếm khác cần được bảo vệ; một số đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh trật tự an toàn xã hội…
Vì vậy buôn lậu vàng sẽ vi phạm tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 188 BLHS 2015.
Buôn bán vàng qua biên giới trái pháp luật được hiểu là:
- Mua hoặc bán vàng không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan;
- Trường hợp kinh doanh vàng xuất nhập khẩu đúng giấy phép nhưng khai không đúng số lượng;
- Thủ đoạn được thể hiện qua việc khai báo gian dối;
- Thời điểm hoàn thành tội phạm này tính từ thời điểm đưa hàng, tiền qua biên giới một cách trái phép vào Việt Nam;
- Đối với vàng phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
2. Buôn lậu vàng bị xử lý như thế nào?
Do chủ thể của tội buôn lậu vàng bao gồm cả cá nhân và pháp nhân, nên hình phạt của tội này cũng gồm hai nhóm hình phạt áp dụng riêng cho hai nhóm chủ thể này.
– Đối với cá nhân, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc phạt tù với mức thấp nhất là phạt tiền 50.000.000 đồng hoặc phạt tù 06 tháng và mức cao nhất là phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, cá nhân phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
– Đối với pháp nhân, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động với mức thấp nhất là phạt tiền 300.000.000 đồng và mức cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội buôn lậu vàng xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lí kinh tế, vì vậy cần phải bị trừng trị nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.