Bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài thì phải làm sao?
Mục lục
Lợi dụng lòng tham và sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế của nhiều người, các đối tượng lừa đảo đã dùng thủ đoạn gọi điện với thông báo rằng chủ nhân đã nhận được món quà giá trị. Tuy nhiên, thực chất hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách yêu cầu đối phương phải đóng một khoản phí để nhận quà thông qua hình thức chuyển khoản. Trường hợp này sẽ được xác định là bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài. Vậy phải làm sao để hạn chế tình trạng này?
1. Dấu hiệu nhận biết hành vi lừa đảo nhận quà ở nước ngoài
Khi nhận được thông tin báo rằng đã được nhận quà có giá trị từ nước ngoài gửi về, chủ thể cần lưu ý những dấu hiệu sau:
- Người gửi quà là người nước ngoài, mới quen qua mạng xã hội hoặc không hề quen biết.
- Thùng quà gửi về Việt Nam có tiền, trang sức, vàng, bạc, đồ có giá trị,… Theo khoản 5 Điều 25 Công ước Bưu chính thế giới các Nghị định thư cuối cùng 1999 có cấm những mặt hàng nêu trên.
- Địa chỉ người nhận và việc nhận hàng bất hợp lý, khiến thông tin bị thiếu tính chính xác.
- Người thông báo yêu cầu người được tặng quà đóng tiền thuế hải quan và tiền phạt vì khi kiểm tra thấy có tiền, vàng, bạc, trang sức,…
- Nhận được yêu cầu chuyển khoản một số tiền vào số tài khoản cá nhân.
- Nếu không gửi tiền, quà sẽ bị gửi lại hoặc tịch thu.
Xem thêm: Thuê luật sư đại diện?
2. Bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài thì phải làm sao?
Với những dấu hiệu chúng tôi đã nêu trên, bạn có thể xác định cơ bản cuộc gọi thông báo nhận quà từ nước ngoài có phải lừa đảo hay không. Theo đó, một số cách xử lý trong trường hợp bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài này là:
2.1. Từ chối nhận bưu phẩm
Từ chối nhận hàng hóa, món quà có giá trị là cách thức đơn giản nhất. Sau khi phát hiện ra đối phương có ý đồ lừa đảo bằng quà tặng, đặc biệt thông qua dấu hiệu yêu cầu chuyển tiền, người nhận có quyền từ chối món bưu phẩm đắt tiền không rõ nguồn gốc. Đây cũng là cách thức được đại đa số người dân sử dụng bởi tính hữu hiệu, nhanh chóng.
2.2. Báo với Cơ quan có thẩm quyền
Trong trường hợp phát hiện lừa đảo bằng quà tặng hoặc bản thân đã bị mất một khoản tiền do hành vi lừa đảo gây nên, các chủ thể cần liên hệ đến Cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Đồng thời, người nhận được thông báo có thể làm đơn tố cáo theo Luật Tố cáo 2018. Theo đó, tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017 đã quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm như sau:
2.3. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm
Đối với cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo về tội phạm, tin tố giác lừa đảo bằng quà tặng bao gồm như sau:
- Cơ quan điều tra.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Viện kiểm sát các cấp.
- Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
2.4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm
Đối với việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm lừa đảo bằng quà tặng , những cơ quan dưới đây sẽ có thẩm quyền giải quyết, cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017 như sau:
“2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.
Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục”.
3. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
Đối với hành vi lừa đảo bằng quà tặng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị chịu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu gặp phải trường hợp này, người dân nên cảnh giác và báo cho Cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Không chỉ có ý nghĩa bắt những đối tượng lừa đảo phải vào vòng lao lý, mà còn góp phần đem lại sự văn minh cho xã hội.