Nội dung cơ bản của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015
Mục lục
Bộ Luật tố tụng hình sự là ngành luật độc lập bên cạnh tố tụng dân sự và tố tụng hành chính nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng. Bài viết hôm nay chúng tôi cập nhật đến các bạn nội dung cơ bản của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành.
1. Bộ luật tố tụng hình sự là gì?
Tố tụng hình sự là những trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, đánh giá một hành vi cụ thể có phải là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự hay không, người thực hiện hành vi có phải chịu trách nhiệm hình sự không và một số vấn đề liên quan đến thi hành án hình sự, các giai đoạn tố tụng hình sự chính là: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự và thi hành bản án, quyết định của tòa án do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Bộ Luật tố tụng hình sự quy định trình tự thủ tục từ lúc tiếp nhận tin tố giác tội phạm đến khi thu thập chứng cứ, đưa vụ án ra xét xử cho đến thi hành án. Ngày 27/11/2015 Quốc hội thông qua Bộ Luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016.
2. Nội dung cơ bản của Bộ Luật Tố tụng Hình sự
Bộ Luật có kết cấu gồm 9 phần, 36 chương, 510 điều.
2.1. Những Nguyên tắc cơ bản
Nguyên tắc của tố tụng hình sự là các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động tố tụng mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp hành, thể hiện quan điểm của Nhà nước trong hoạt động này. Các nguyên tắc được áp dụng đồng bộ trong suốt quá trình tố tụng.
Những nguyên tắc bao gồm:
- Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự;
- Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;
- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật;
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể;
- Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân;
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân;
- Suy đoán vô tội;
- Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm;
- Xác định sự thật của vụ án;
- Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự;
- Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra;
- Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự;
- Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;
- Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia;
- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Tòa án xét xử tập thể;
- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai;
- Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm;
- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm;
- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án;
- Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự;
- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự;
- Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.
2.2. Những điểm mới của Bộ Luật tố tụng hình sự
2.2.1. Hoàn thiện nguyên tắc cơ bản của Tố tụng hình sự
Bổ sung những nguyên tắc mới có phù hợp với Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, loại bỏ những nguyên tắc không phù hợp với hiến pháp và pháp luật.
Bổ sung 05 nguyên tắc mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, gồm: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).
2.2.2. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng
Đối với cơ quan điều tra: Phân định rõ ràng về thẩm quyền điều tra, tạm đình chỉ điều tra.
Đối với Viện kiểm sát: Bổ sung tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Đối với Tòa án: Quy định cụ thể thẩm quyền trong xét xử.
2.2.3. Điều chỉnh về chứng cứ, thu thập chứng cứ và tang vật
Đổi mới khái niệm chứng cứ, quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do người tham gia tố tụng cung cấp, bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ gồm dữ liệu điện tử, kết luận giám định tài sản, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Quy định cụ thể trình tự thủ tục thu thập dữ liệu điện tử.