Tố tụng hành chính là gì? Các giai đoạn trong tố tụng hành chính theo pháp luật hiện hành
Mục lục
Tố tụng hành chính là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bên cạnh Tố tụng dân sự và Tố tụng hình sự giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng ở Việt Nam. Bài viết này chúng ta cùng nhau làm rõ khái niệm tố tụng hành chính và tìm hiểu các giai đoạn trong tố tụng hành chính.
1. Tố tụng hành chính là gì?
Tố tụng hành chính là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng với Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng.
Luật tố tụng hành chính điều chỉnh các mối quan hệ pháp sinh giữa Tòa án, Viện kiểm sát, các cá nhân, tổ chức trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ án hành chính để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan tổ chức này.
Luật tố tụng hành chính điều chỉnh các mối quan hệ trên bằng phương pháp quyền uy và phương pháp bình đẳng. Phương pháp quyền uy thể hiện rõ trong mối quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát với các cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng. Phương pháp bình đẳng thể hiện trong mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ tố tụng, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Các giai đoạn trong tố tụng hành chính
Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tố tụng hành chính được phân thành các giai đoạn chính sau:
2.1. Khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính
Một khi cá nhân, cơ quan nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào khác thấy rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì có thể khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án hành chính giải quyết.
Trước khi khởi kiện thì cá nhân, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức khác phải tiến hành khiếu nại với cơ quan hành chính mà họ cho rằng quyết định, hành vi hành chính của cơ quan đó là trái pháp luật. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đó thì có thể khiếu nại lên cơ quan, người cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính.
Sau khi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện, nếu không thuộc những trường hợp trả lại đơn thì Tòa án phải thụ lý vụ việc.
2.2. Chuẩn bị xét xử
Giai đoạn này, Toà án hành chính thực hiện các công việc chuẩn bị như:
- Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu,….
- Khi xét thấy cần thiết Toà có thể thu thập chứng cứ, xem xét tại chỗ, trưng cầu giám định;
- Sau khi nhận thấy việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ, Toà hành chính phải xem xét và đưa ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ giải quyết vụ án.
2.3. Xét xử sơ thẩm
Hội đồng xét xử vụ án hành chính bao gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân.
Phiên Tòa sơ thẩm được tiến hành khi có mặt đầy đủ đương sự, người đại diện hợp pháp của họ.
Các quyết định của Hội đồng xét xử phải do các thành viên của hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số.
2.4. Xét lại bản án và quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm
Nhằm bảo vệ quyền lợi của các đương sự, pháp luật tố tụng hành chính cũng như các ngành luật tố tụng khác có quy định về quyền được kháng cáo.
Không chỉ có các đương sự mà Viện kiểm sát cũng có quyền kiến nghị yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại bản án được xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Giai đoạn này có nhiệm vụ sửa chữa những sai lầm và vi phạm của toà án cấp sơ thẩm, bảo đảm việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất.
Tính chất của việc xét lại bản án và quyết định theo thủ tục phúc thẩm là việc toà án cấp trên trực tiếp xét lại những bản án sơ thẩm và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hay kháng nghị. Bản án và quyết định của toà án cấp phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm có ba thẩm phán và nhiệm vụ quyền hạn tương tự như phiên tòa sơ thẩm.
2.5.Xét lại bản án, Quyết định đã có hiệu lực của pháp luật theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm
Việc kháng nghị giám đốc thẩm của Viện kiểm sát được thực hiện yêu cầu khi có đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật.
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Các chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm cần chú ý thời hạn được quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.
2.6. Thi hành bản án, quyết định của Tòa án
Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án.
Những người không thi hành bản án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lí kỉ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.