Nồng độ cồn được phép khi tham gia giao thông đường bộ
Cồn là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Nó làm mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông, nếu nồng độ cồn trong máu cao dễ khiến người điều khiển phương tiện gây ra tai nạn.
Thực tế, việc căn cứ vào nồng độ cồn trong máu để ra mức quy định vi phạm an toàn giao thông không là vấn đề mới trên thế giới. Nhiều quốc gia đã áp dụng vấn đề này với các mốc tính và cách tính khác nhau.
Với cùng một lượng bia rượu uống vào, những người có hình thể lớn sẽ có nồng độ cồn thấp hơn, khó bị vi phạm hơn. Và sau khi ngồi nghỉ một khoảng thời gian, những người có sức khỏe tốt cũng giải phóng được lượng cồn trong máu nhanh hơn người bình thường.
Tổ chức Y tế thế giới WHO, lập 1 đơn vị uống chuẩn chứa 10gam cồn để ước tính lượng rượu, bia sử dụng tương ứng với nồng độ cồn sinh ra trong cơ thể người. Cụ thể, 01 đơn vị uống chuẩn tương đương:
– 1 chén rượu 40 độ dung tích 30ml hoặc;
– 1 ly rượu vang 13,5 độ dung tích 100ml hoặc;
– 1 cốc bia hơi dung tích 330ml hoặc 2/3 chai hoặc lon bia dung tích 330ml.
Luật giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm việc điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở, nhằm hạn chế, phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho chính bản thân người uống rượu, bia cũng như những người tham gia giao thông khác trên đường.
Việc uống rượu bia hoặc các loại đồ uống có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trước khi tham gia giao thông là hoàn toàn không nên. Hiện tại, luật pháp đưa các các mức phạt rất nghiêm khắc đối với việc người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. Vì vậy để bảo vệ tính mạng và vật chất thì không nên tham gia giao thông khi đã nhậu nhẹt, say xỉn.