Tố tụng hành chính là gì? Một số khái niệm của tố tụng hành chính
Mục lục
Tố tụng hành chính là lĩnh vực pháp lý quy định về trình tự để giải quyết những vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những quy trình vô cùng quan trọng góp phần bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính Việt Nam.
Tố tụng hành chính là gì?
Song song với các hoạt động tố tụng Dân sự, tố tụng Hình sự; tố tụng hành chính là những trình tự pháp lý xử lý vụ án hành chính được pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết tại Luật Tố tụng Hành chính hiện hành. Thông qua trình tự này, Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ hỗ trợ giải quyết các khiếu kiện của cá nhân, tổ chức đối với các quyết định, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể bị xâm phạm.
Các khái niệm cần biết trong tố tụng hành chính là gì?
Để hiểu rõ hơn những quy định về hoạt động tố tụng hành chính, bạn cần nắm được các khái niệm pháp luật cơ bản bao gồm:
- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
- Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.
Trình tự thực hiện hoạt động tố tụng hành chính là gì?
Nhằm đảm bảo khách quan, công bằng trong hoạt động tố tụng hành chính; mọi vụ án hành chính đều phải tuân thủ chặt chẽ quy trình tố tụng thông qua các bước bao gồm:
Yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính
Để mở thủ tục tố tụng hành chính đối với bất kỳ quyết định, hành vi hành chính nào, bạn cũng cần phải làm đơn khởi kiện vụ án hành chính, kèm theo tài liệu, chứng cứ đến tòa án có thẩm quyền. Nội dung của đơn khởi kiện hành chính phải đảm bảo các thông tin bao gồm:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
- Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có);
- Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết;
- Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Thụ lý vụ án hành chính
Sau khi tiếp nhận và xem xét đơn khởi kiện cũng như các tài liệu, chứng cứ kèm theo thuộc thẩm quyền của mình; Tòa án phải thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí để hoàn tất thủ tục, ra quyết định thụ lý vụ án. Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 126 Bộ Luật Tố tụng Hành Chính 2015:
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán đã thụ lý vụ án phải thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).”
Giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án
Thủ tục chuẩn bị xét xử vụ án hành chính cần thực hiện theo đúng thời gian quy định tại Điều 130 Bộ Luật Tố tụng Hành chính 2015 như sau:
“1. 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 của Luật này.
2. 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 116 của Luật này.
3. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
Xét xử vụ án hành chính
Hội đồng xét xử đối với vụ án hành chính yêu cầu Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân. Phiên tòa chỉ được phép bắt đầu khi có mặt đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa. Phiên xét xử phải được mở trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trình tự xét xử được tiến hành theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hành chính 2015 hướng dẫn.