Các giai đoạn tố tụng hình sự theo quy định pháp luật
Mục lục
Tố tụng Hình sự là quá trình pháp lý được diễn ra theo trình tự cụ thể nhằm xác định hành vi cụ thể có phải là tội phạm hay không, từ đó áp dụng các biện pháp xử lý hình sự phù hợp. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu chi tiết hơn về trình tự các giai đoạn trong hoạt động tố tụng hình sự ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Tiếp nhận, xử lý nguồn tin tội phạm
Tiếp nhận và xử lý nguồn tin tố giác tội phạm là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; viện kiểm sát các cấp; các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. Đây là bước đầu tiên trong quá trình tố tụng hình sự theo quy định pháp luật. Trong thời hạn quy định, cơ quan nhận tin báo tố giác tội phạm phải ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự; hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Khởi tố trong tố tụng hình sự
Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra dựa vào những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, kèm theo phối hợp, giám sát của viện kiểm sát để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ điều tra vụ án. Thông qua hoạt động điều tra, cơ quan điều tra phải thu thập các chứng cứ hợp lệ để nghiên cứu và nhận định hành vi phạm tội có đủ cấu thành tội phạm hay không.
Thời hạn điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 172 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 :
“Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.”
Hoạt động truy tố là gì?
Hoạt động truy tố là nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Hoạt động này bắt đầu từ thời điểm cơ quan điều tra giao hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và vật chứng (nếu có) thì Viện kiểm sát. Theo quy định khoản 1 Điều 240 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015:
“Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Giai đoạn xét xử trong hoạt động tố tụng hình sự
Xét xử là giai đoạn cuối cùng trong quá trinh tố tụng hình sự để quyết định xem hành vi phạm tội có phải là tội phạm hay không và phải áp dụng các mức hình phạt như thế nào. Hoạt động xét xử được mô tả tại Điều 250 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:
“1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.”