Tố tụng hình sự – Một số nguyên tắc cơ bản (Phần II)
Mục lục
Ở phần trước, Phan Law Vietnam đã tổng hợp một số các nguyên tắc tố tụng hình sự cơ bản liên quan đến việc đảm bảo quyền con người, cũng như đảm bảo định hướng xử lý, phân định tội phạm. Ở phần này, chúng tôi tiếp tục muốn giới thiệu đến bạn đọc một số các nguyên tắc còn lại trong hoạt động tố tụng mà cơ quan tư pháp cần phải tuân thủ.
Đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan tư pháp
Cơ quan tư pháp là chủ thể không thể thiếu trong hoạt động tố tụng hình sự. Hoạt động của những cơ quan này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng của quá trình tố tụng; vì vậy họ cần đảm bảo được:
Trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tố tụng phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình và đảm bảo thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 18 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015: “Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.”
Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra
Mọi hoạt động điều tra phải được tiến hành theo trình tự pháp luật quy định, dựa trên nền tảng tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Điều 20 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ: “Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội.”
Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
Mọi chủ thể tham gia tố tụng hình sự cần phải đảm bảo sự vô tư và khách quan, trường hợp có lý do cho rằng chủ thể này có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ thì họ sẽ không được tham gia tố tụng.
Các nguyên tắc tố tụng hình sự của Tòa án hình sự
Tòa án là cơ quan xét xử được thực hiện quyền tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự. Đây là cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất, đưa ra quyết định cuối cùng cho toàn bộ quá trình tố tụng. Về hoạt động xét xử, tòa án cần đảm bảo được những nguyên tắc như:
- Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia
- Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
- Tòa án xét xử tập thể
- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
- Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm
Một số nguyên tắc tố tụng hình sự khác theo quy định pháp luật
Ngoài những nguyên tắc đã được liệt kê ở trên và tại phần I, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 còn quy định về một số các nguyên tắc kèm theo khác để đảm bảo quá trình tố tụng diễn ra chính xác nhất theo tôn chỉ pháp luật. Những nguyên tắc này có thể kể đến như:
- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
- Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt
- Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
- Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
- Bảo đảm kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự