Tố tụng hình sự – Một số nguyên tắc cơ bản (Phần I)
Mục lục
Tố tụng hình sự là trình tự pháp luật quan trọng trong quá trình xác định và xử lý tội phạm. Để đảm bảo tiến trình này diễn ra thống nhất, đảm bảo công bằng, tôn trọng các quyền hiến định của cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng; pháp luật về tố tụng hình sự đã liệt kê và hướng dẫn rõ những nguyên tắc cơ bản làm kim chỉ nam, định hướng cho hoạt động của các cơ quan tư pháp hình sự.
Tố tụng hình sự là hoạt động như thế nào?
Tố tụng hình sự là các thủ tục theo trình tự bao gồm: Điều tra, truy tố, tố tụng và xét xử các vụ án hình sự và để thi hành các bản án và quyết định của tòa án theo quy định của pháp luật. Hoạt động này đóng vai trỏ vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát, không bỏ lọt tội phạm; góp phần đảm bảo cuộc sống người dân đồng thời bảo vệ quyền lực nhà nước.
Các nguyên tắc đảm bảo pháp chế, quyền con người và quyền bình đẳng
Nguyên tắc đầu tiên cần phải đảm bảo trong quá trình hoạt động tổ tụng hình sự chính là phải hoạt động theo đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự hiện hành. Không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
Những nguyên tắc tiếp theo nhằm đảm bảo các quyền con người theo hiến định, được hướng dẫn từ Điều 8 đến Điều 12 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 bao gồm:
- Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể
- Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân
Các nguyên tắc xác định tội phạm trong quá trình tố tụng
Để đảm bảo quá trình tố tụng hình sự đúng người đúng tội, các cơ quan hoạt động tư pháp luôn phải thực hiện tố tụng dựa trên những nguyên tắc làm kim chỉ nam được hướng dẫn từ Điều 13 đến Điều 15 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, cụ thể:
“Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Điều 14. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm
Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm.
Điều 15. Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.”