Bạo hành vợ có bị xử lý không?
Mục lục
Bạo lực gia đình nói chung và bạo hành vợ nói riêng là một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại. Không chỉ xảy ra ở một số nơi trên thế giới, mà hành vi trên còn là một thách thức đối với các cơ quan chức năng và các nhà hoạt động xã hội. Bạo lực gia đình gây ra những hậu quả nặng nề cho cả người bị bạo hành và gia đình của họ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, và đôi khi dẫn đến chết người. Vậy chồng có hành vi đánh đập vợ có bị xử lý không? Để có câu trả lời, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam.
1. Bạo lực gia đình là gì?
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình.
Từ khái niệm trên, không chỉ hành vi đánh đập gây tổn hại vật lý mới được xem là hành vi bạo hành mà luật pháp còn bảo vệ các quyền về sức khoẻ tinh thần và khả năng kinh tế của con người.
2. Hình phạt dành cho hành vi bạo hành vợ là gì?
Tuỳ vào tính chất và mức độ vi phạm mà pháp luật đưa ra các mức chế tài khác nhau. Biện pháp chế tài có thể là phạt hành chính, phạt kỳ luật và thậm chí là phạt hình sự. Cụ thể:
2.1. Xử lý vi vi phạm hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình
Tại Mục 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về các hành vi:
“Phạt tiền từ 05 triệu đồng và có thể lên đến 10 triệu đồng đối với những người có hành vi ngăn cản những thành viên khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ khác với người thân trong gia đình; hoặc có hành vi vi phạm về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hay cấp dưỡng.
Phạt tiền từ 05 triệu đồng và có thể lên đến 20 triệu đồng đối với những hành vi xâm phạm đến sức khỏe của các thành viên khác trong gia đình; xúc phạm danh dự và nhân phẩm hoặc buộc các thành viên khác phải ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ tùy vào từng mức độ và hậu quả mang lại của hành vi;
Phạt tiền từ 05 triệu và có thể lên tới 30 triệu đồng đối với những người có hành vi cô lập hoặc xua đuổi gây áp lực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của những thành viên khác trong gia đình tùy vào mức độ và tính chất của hành vi;
Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với những người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ những thành viên khác trong gia đình tùy vào mức độ và tính chất của hành vi;
Phạt tiền từ 20 triệu đồng và có thể lên tới 30 triệu đồng đối với những người có hành vi bạo lực về kinh tế của những người khác trong gia đình.”
Như vậy, người có hành vi bạo lực gia đình bị xử lý hành chính có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.
2.2. Xử lý kỷ luật đối với Đảng viên có hành vi bạo lực gia đình
Cụ thể, Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022, Đảng viên có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống bạo lực gia đình thì sẽ bị xử lý kỷ luật.
Hình thức kỷ luật có 04 hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ.
2.2.1. Hình thức khiển trách
Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
2.2.2. Hình thức cảnh cáo, cách chức
Trường hợp đã bị kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
2.2.3. Hình thức khai trừ
Trường hợp vi phạm tại các trường hợp tại Khoản 1, Khoản 2 gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp tại Khoản 3 Điều 50 Quy định 69-QĐ/TW thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
2.3. Xử lý hình sự với hành vi bạo lực gia đình
Tương tự như các biện pháp chế tài trên, để có cơ sở xử lý hình sự, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ căn cứ vào loại hành vi, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi dựa vào Bộ luật Hình sự 2015 để đưa ra các tội danh phù hợp, cụ thể:
- Tội giết người (Điều 123): Đối với những trường hợp người chồng thực hiện hành vi bạo hành dẫn đến cái chết của vợ;
- Tội bức tử (Điều 130): Đối với hành vi đối xử tàn ác hoặc thường xuyên ngược đãi người kháclàm ngừoi đó tự sát;
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tôn hại sức khoẻ đến người khác (Điều 134): Đối với những hành vi đánh đập gây thương tích cho người khác;
- Tội làm nhục người khác (Điều 155): Đối với các hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người khác;
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Tội 185): Đối với các hành vi ối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng.