Hợp thức hóa mại dâm
Mục lục
Hiện tại, pháp luật nước Việt Nam vẫn đang cấm hoạt động mại dâm, tuy nhiên diễn biến của tội phạm ngày càng phức tạp. Nhiều cá nhân đề xuất học hỏi nhiều nước trên thế giới hợp thức hóa mại dâm. Cùng chúng tôi tìm hiểu lợi và hại từ việc hợp thức hóa mại dâm.
1. Các tội phạm mại dâm ở Việt Nam
Các tội phạm về mại dâm được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:
- Tội chứa mại dâm (Điều 327): Tội chứa mại dâm được quy định trong Bộ Luật Hình Sự 2015 Điều 327. Có thể bị phạt các khung hình phạt như: phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; Phạt tù 5 năm đến 10 năm; Phạt tù 10 năm đến 15 năm; Phạt tù 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; Ngoài ra thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản;
- Tội môi giới mại dâm (Điều 328): Hành vi môi giới mại dâm sẽ có hình phạt như sau: Phạt tù từ 3 năm đến 15 năm; Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
- Tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329): Phạt tù từ 01 năm đến 15 năm; Ngoài ra người phạm tội mua dâm với người dưới 18 tuổi còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy theo mức độ, tính chất phạm tội;
- Tội mua dâm: Tội mua bán dâm có thể bị xử lý hành chính. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua dâm được quy định cụ thể tại Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng chống mại dâm;
- Tội bán dâm: Tội bán dâm cũng bị xử lý theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003. Các biện pháp xử phạt hành chính như sau: cải tạo, giáo dục tại địa phương, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể đưa đến cơ sở chữa bệnh.
Nhóm tội phạm mại dâm xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng. Ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục, đời sống tinh thần của người Việt Nam. Hơn thế nữa các tội phạm mại dâm làm lây lan các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai….
2. Hợp thức hóa mại dâm
Việc hợp thức hóa mại dâm trên giấy tờ rất dễ dàng, nó biểu hiện bằng cách bỏ các điều luật về mại dâm trong Luật hình sự và các tội có liên quan đến mại dâm. Nhưng vấn đề đặt ra là hợp thức hóa mại dâm có thực sự phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc và tình hình thực tiễn hiện nay.
Nhiều ý kiến tán thành cho rằng việc hợp thức hóa mại dâm sẽ giúp nhà nước kiểm soát được tình trạng mại dâm, thu tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra qua điểm này còn nêu ra những vấn đề có lợi như: bảo vệ phụ nữ và ngăn ngừa tệ nạn xã hội, quyền lợi của người bán dâm được nhà nước bảo vệ, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo, các vấn nạn xã hội đen bảo kê các tụ điểm mại dâm sẽ được xóa bỏ….
Tuy nhiên thực tế ta nhận thấy, việc hợp thức hóa mại dâm có thể làm hoạt động mại dâm thêm tràn lan hơn nữa vì pháp luật đã công nhận mại dâm là một nghề. Tiền thuế mà nhà nước thu được từ hoạt động mại dâm thực tế là không đủ để Nhà Nước bỏ ra để quản lý hoạt động mại dâm, y tế cho các khu đèn đỏ.
Việc coi mại dâm là một nghề sẽ dẫn đến việc ai hành nghề được cấp phép và những ai hành nghề không được cấp phép. Ai sẽ cấp phép cho những người phụ nữ được hành nghề mại dâm, căn cứ nào để cấp phép hành nghề mại dâm. Từ đó những người không được cấp phép hành nghề sẽ hình thành ra những đường dây mại dâm chui còn tồi tệ hơn hiện nay.
Việc coi mại dâm là một nghề sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục dân tộc ngàn đời nay, tác động xấu đến tâm lý của trẻ vị thành niên chưa có nhận thức và sự phát triển đầy đủ để chọn nghề phù hợp cho bản thân.
Hợp thức hóa mại dâm dễ dẫn đến hình thành đường dây bắt cóc phụ nữ ở ép buộc hành nghề mại dâm. Việc hợp thức hóa mại dâm còn đặt ra thách thức rất lớn cho nền y tế về việc phòng chống các bệnh lây qua đường tình dục, HIV, AIDS.