Kinh doanh hàng kém chất lượng có vi phạm pháp luật không?
Mục lục
Hàng kém chất lượng là vấn đề mà người tiêu dùng phải đối mặt hàng ngày. Sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho sự phát triển của kinh tế và đạo đức thương mại. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, việc sản xuất và tiêu thụ hàng kém chất lượng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp và chính phủ. Pháp luật quy định như thế nào về hành vi sản xuất, tiêu thụ hàng kém chất lượng? Hãy cùng Phan Law theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu về vấn đề này.
1. Hàng kém chất lượng là gì?
Hàng kém chất lượng là hàng do chính doanh nghiệp đó sản xuất nhưng vì một số lý do chủ quan hoặc khách quan làm cho sản phẩm không đạt được 80% chất lượng được cam kết; tuy nhiên giá thành lại tương đương với hàng có 100% chất lượng và có những dịch vụ đi kèm như hàng chính hãng.
2. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của hàng kém chất lượng trên thị trường
2.1. Nguyên nhân chủ quan
- Do hám lợi từ siêu lợi nhuận có được khi sản xuất và phân phối tiêu thụ hàng kém chất lượng mà chủ doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, cắt giảm quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí;
- Sự bất cập trong cơ chế quản lý.
2.2. Nguyên nhân khách quan
- Thiếu sót của nhân viên nhà máy sản xuất; thiết bị sản xuất hư hỏng;
- Do người tiêu dùng ngại động chạm đến việc kiện cáo; vì sự nhắm mắt làm ngơ của người tiêu dùng đã một phần làm cho sự xuất hiện của hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng.
3. Biện pháp chế tài của pháp luật
3.1. Xử phạt hành chính
Về bản chất hàng kém chất lượng là hàng có chất lượng không đạt đúng đến giá trị, công dụng như khi đăng ký và công bố trên bao bì. Vì vậy, hàng kém chất lượng còn có thể gọi là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và những người có hành vi buôn bán loại mặt hàng sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:
Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
3.1.1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với
Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tuỳ vào giá trị tương đương của hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất hợp pháp mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
3.1.2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây
- Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Là thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi;
- Là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép. Chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
3.1.3. Biện pháp khắc phục hậu quả
- Buộc tiêu hủy tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
3.2. Xử lý hình sự
Ngoài hình thức xử phạt hành chính, nếu xét thấy mức độ nghiêm trọng của hành vi thì người phạm tội sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau:
3.2.1. Đối với trường hợp là cá nhân
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này;
- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều 192 Bộ luật này;
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 3 Điều 192 Bộ luật này.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3.2.2. Đối với trường hợp là pháp nhân thương mại
- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017;
- Phạt tù từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này;
- Phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.