Mức phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép dịp Tết 2023
Mục lục
Trong dịp Tết, đốt pháo là việc làm không thể thiếu ở mỗi tỉnh thành, địa phương, có ý nghĩa tạo ra một “âm thanh đặc trưng” của ngày lễ cổ truyền dân tộc. Tuy nhiên, nhiều đối tượng, đặc biệt là độ tuổi thanh, thiếu niên lại coi đây là trò chơi thú vị nên sử dụng pháo một cách tùy tiện, bừa bãi, thậm chí trái pháp luật. Vậy mức phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép dịp Tết 2023 sẽ như thế nào?
1. Khi nào bị xác định là đốt pháo trái phép vào dịp Tết?
Định nghĩa và cơ chế hoạt động của pháo đã được pháp luật quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ – CP. Pháo bao gồm các loại như sau:
- Pháo nổ: Đây là loại được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
- Pháo hoa: Đây là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Trong hai loại pháo này, người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa được căn cứ tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ – CP. Tuy nhiên, Nhà nước nghiêm cấm tuyệt đối người dân đốt pháo trái phép loại pháo hoa nổ ngày tết hoặc pháo nổ. Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ – CP quy định:
“Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.”
Đối chiếu với các quy định pháp luật trên, có thể thấy người dân hoàn toàn được sử dụng pháo để đốt ngày Tết. Tuy nhiên, đối với hành vi đốt pháo nổ sẽ được coi là đốt pháo trái phép.
2. Mức phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép dịp Tết 2023
Đối với hành vi đốt pháo trái phép, cần xem xét đến mức độ hậu quả đem lại. Điều này ngăn chặn những hành vi lạm dụng đốt pháo bừa bãi, trái phép mà không nghĩ đến an toàn sức khỏe tính mạng cho chính mình cũng như cộng đồng xã hội. Theo đó, có hai chế tài xử phạt đó là xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ – CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó, nếu sử dụng pháo tại một số các trường hợp sau đây sẽ bị xử phạt với số tiền cụ thể:
- Phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ đối với hành vi lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng.
- Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 5.000.000đ đối với một trong những hành vi như chiếm đoạt, mua, bán, cho, tặng,…
- Phạt tiền từ 5.000.000đ đến 10.000.000đ đối với hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép.
- Phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ đối với một trong những hành vi như vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc pháo.
- Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 40.000.000đ đối với hành vi mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
2.2. Xử phạt hình sự
Đối với hành vi đốt pháo trái phép, người sử dụng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với các tội danh như:
- Xử lý theo hành vi gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào sử dụng pháo gây rối loạn trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Xử lý hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, cao nhất có thể bị phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
- Xử lý theo hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Như vậy, bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, đốt pháo trái phép còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, các cá nhân cần đặc biệt chú trọng vấn đề này để không vi phạm pháp luật.