Quyền trẻ em là gì? Vi phạm quyền trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ nhận được sự yêu thương, chăm sóc của người lớn và được tham gia tích cực vào quá trình phát triển. Vậy việc vi phạm quyền trẻ em sẽ bị xử phạt như thế nào?
1. Quyền trẻ em được quy định như thế nào?
Quyền trẻ em được hiểu là những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo việc thực hiện quyền đó đối với trẻ em. Quyền này buộc các chủ thể khác phải tôn trọng và không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ngăn cản, hạn chế.
Trong đó có thể kể đến quyền tự nhiên, quyền cơ bản mà trẻ em có được từ khi sinh ra đó chính là: Quyền sống (Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016). Ngoài ra, có thể kể đến một số quyền điển hình mà pháp luật quy định để bảo vệ trẻ em như sau:
- Quyền được chăm sóc nuôi dưỡng (Điều 15 Luật Trẻ em năm 2016);
- Quyền giữ bí mật đời sống riêng tư (Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016);
- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25 Luật Trẻ em năm 2016);
- Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc (Điều 27 Luật Trẻ em năm 2016);
Ngoài các quyền nêu trên, trẻ em còn có các bổn phận ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo và những người khác trong xã hội. Các bổn phận này chủ yếu được điều chỉnh thông qua giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ trong đời sống hàng ngày tại gia đình và tại trường học.
Xem thêm: Bạo hành trẻ em phạt bao nhiêu năm tù?
2. Vi phạm quyền trẻ em bị xử phạt như thế nào?
Hiện nay, các chế tài xử lý người có hành vi xâm phạm quyền trẻ em không được quy định trong một văn bản thống nhất mà tùy vào từng hành vi cụ thể mà có mức xử lý phù hợp là phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền trẻ em điển hình như sau:
Đối với hành vi sử dụng bạo lực với trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
…”
Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác, Tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 140, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
“Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
…”
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
c) Đối với người dưới 16 tuổi,…;
…”
Đối với hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em tùy vào mức độ, hành vi, độ tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142, Điều 144, Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:
“Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
…”
“Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
…”
“Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
…”
3. Tư vấn pháp lý về hành vi vi phạm quyền trẻ em
Quyền trẻ em đang được Pháp luật bảo vệ nên luôn là vấn đề được quan tâm trong xã hội. Nếu bạn đang cần tư vấn thêm vấn đề pháp lý về Quyền trẻ em thì có thể liên hệ với Phan Law Vietnam để được hỗ trợ.
Phan Law Vietnam sở hữu đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề và giàu kinh nghiệm nên sẽ giúp khách hàng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến pháp luật về Quyền trẻ em.
Ngoài ra, dành cho bị can, bị cáo đang cần thuê Luật sư bào chữa, giảm nhẹ tội, luật sư tại Phan Law Vietnam cũng sẵn sàng đứng ra bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho Quý khách hàng.