Sử dụng ma túy bị xử phạt như thế nào?
Mục lục
Việc sử dụng ma túy bị xử phạt như thế nào? Nếu sử dụng lần đầu sẽ bị quản lý ra sao? Nếu chỉ sử dụng mà không tàng trữ thì có bị xử phạt không? Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp nhất là các tệ nạn xã hội. Việc sử dụng ma túy bị cấm tuy nhiên nhiều người vẫn cố tình sử dụng khiến cho tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo. Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ thông tin đến bạn vấn đề này.
1. Sử dụng ma túy được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy năm 2021 thì:
“1. Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành”.
Chất ma túy được quy định cụ thể ở trong các văn bản khác do chính phủ ban hành.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 10 Điều 2 Luật phòng, chống ma túy năm 2021 thì người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sử cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính.
Một cá nhân sử dụng ma túy nhiều lần để thỏa mãn nhu cầu của bản thân được xác định là người nghiện ma túy, khi đó sẽ phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng với mức độ thực hiện hành vi.
2. Việc sử dụng ma túy bị xử phạt như thế nào?
Sử dụng bị xử phạt như thế nào? Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không có bất kỳ tội danh nào đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy nếu một cá nhân chỉ sử dụng ma túy trái phép để phục vụ bản thân mà không thực hiện thêm các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển… chất ma túy thì sẽ không bị xử lý hình sự.
3. Xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy
Căn cứ vào khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định về các hành vi phòng chống và kiểm soát ma túy như sau:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.”
Ngoài ra, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy mà đồng thời thực hiện thêm một trong các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép… chất ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính tương ứng với những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép…chất ma túy đó.
4. Người sử dụng ma túy lần đầu bị quản lý thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Phòng, chống ma túy 2021, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy.
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 105/2021, một người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy khi có một trong các căn cứ sau:
“a) Tin báo, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh, làm rõ;
b) Thông tin, tài liệu trong các vụ vi phạm pháp luật;
c) Người có biểu hiện mất năng lực nhận thức hoặc kiểm soát hành vi nghi do sử dụng ma túy;
d) Trên người, phương tiện, nơi ở của người đó có dấu vết của chất ma túy hoặc dụng cụ, phương tiện sử dụng trái phép chất ma túy;
đ) Người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng chất kích thích nghi là ma túy;
e) Người có mặt tại các địa điểm có hành vi tổ chức, chứa chấp hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không có lý do chính đáng.
g) Người tự khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
h) Người bị phát hiện quả tang sử dụng trái phép chất ma túy;
i) Những căn cứ khác theo quy định của pháp luật”.
- Khi phát hiện một cá nhân có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xét nghiệm ma túy với những người này.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú ổn định hoặc nơi phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đối với người không có nơi cư trú ổn định ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 23 của Luật Phòng, chống ma túy…
- Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại cấp xã không phải là biện pháp xử lý hành chính. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa giúp họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ có thể gây ra trong tương lai.
- Thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 1 năm kể từ ngày chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó ra quyết định quản lý. Đối với trường hợp nghiện ma túy thì sẽ có cách quản lý khác.