Xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Mục lục
Quyền tác giả bảo vệ những quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả, chủ sở hữu liên quan đến tác phẩm. Ngày nay, việc xâm phạm quyền tác giả xuất hiện ngày càng tinh vi với nhiều hình thức. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của tác giả hay chủ sở hữu tác phẩm. Hành vi xâm phạm có thể bị xử lý hình sự với các biện pháp, mức xử lý khác nhau dựa vào tính chất và mức độ phạm tội.
1. Quyền tác giả là gì?
Quyền tác giả gồm những quyền cụ thể mà pháp luật trao cho tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm. Theo đó, tác giả sẽ có quyền nhân thân, quyền tài sản và chủ sở hữu sẽ có quyền tài sản. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, hình thức, chất lượng, phương tiện, ngôn ngữ và không phụ thuộc vào việc tác phẩm đã công bố hay chưa, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Xử lý hình sự khi xâm phạm quyền tác giả
Khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả đủ dấu hiệu tội phạm theo Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì sẽ bị xử lý hình sự như sau:
Trường hợp 1: Cá nhân thực hiện hành vi vi phạm
Khung 1: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng – 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng – 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng – 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm – 05 năm.
Trường hợp 2: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi vi phạm
Khung 1: Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng – 1.000.000.000 đồng;
Khung 2: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng – 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng – 02 năm;
Hình phạt bổ sung: Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng – 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm – 03 năm.
3. Thực hiện biện pháp bảo vệ bản quyền
Khi thấy tác phẩm bị xâm phạm thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm;
- Yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm: tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính;
- Khởi kiện ra Tòa án hoặc Trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khi cần được tư vấn chi tiết hoặc thuê Luật sư thì hãy liên hệ Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam. Tự tin là một trong những đơn vị dịch vụ chất lượng, uy tín nhất hiện nay. Trong nhiều năm hoạt động, chúng tôi luôn thực hiện chuyên nghiệp dựa trên nền tảng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm từ rất nhiều vụ án. Do vậy, Luật sư, Chuyên viên pháp lý tại đơn vị có rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn.