Xử phạt gây rối trật tự công cộng như thế nào?
Mục lục
Nhằm bảo vệ trật tự an ninh chung của toàn xã hội, Pháp luật Việt Nam đã có những quy định chung và riêng để ngăn ngừa, hạn chế những hành vi với mục đích gây rối trật tự công cộng. Đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng này, Nhà nước ta đã đưa ra rất nhiều hình thức xử phạt, bao gồm cả hình thức phạt tiền nặng nhằm răn đe đến các chủ thể vi phạm. Vậy xử phạt gây rối trật tự công cộng được thực hiện cụ thể như thế nào?
Trước tiên, hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu khái niệm về việc Xử phạt gây rối trật tự công cộng.
1. Thế nào là xử phạt gây rối về trật tự công cộng?
Để hiểu được thế nào là “xử phạt gây rối trật tự công cộng”, cần hiểu rõ khái niệm “gây rối trật tự công cộng” là gì.
Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định về khái niệm “gây rối trật tự công cộng”, người ta chỉ bao quát lên khái niệm của nó dựa trên các hành vi vi phạm theo luật định.
- Tại bài viết này, hành vi “gây rối trật tự công cộng” được hiểu là hành vi, hoạt động, tác động của một cá nhân hoặc tổ chức được thực hiện một cách có chủ đích nhằm làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức và có kỷ luật nơi công cộng đang được thiết lập. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, cũng có thể xâm phạm đến quyền sở hữu hoặc các giá trị lợi ích chung cũng bị lôi kéo cho các nhóm lợi ích riêng lẻ.
- “Công cộng” được xác định là nơi phục vụ lợi ích chung cho người người với nhiều hoạt động được tổ chức một cách chặt chẽ và quy cũ trong khuôn khổ giữ gìn, ổn định trật tự và tôn trọng mọi người xung quanh. Địa điểm công cộng được xác định có thể là công viên, nhà chờ xe buýt hay rạp chiếu phim, nhà hát lớn hay các cơ sở văn hóa, thể thao và du lịch, …
- Từ đó, có thể xác định “xử phạt gây rối trật tự công cộng” là hành vi áp dụng pháp luật của các chủ thể có thẩm quyền, đưa ra các chế tài xử phạt lên các đối tượng có hành vi nhiễu loạn, gây rối lên nơi công cộng đã được thiết lập ổn định chặt chẽ, từ đó nhằm ngăn ngừa, hạn chế và đi đến loại bỏ các hành vi vi phạm.
Xử phạt gây rối trật tự công cộng được quy định nhiều trong lĩnh vực hành chính, trong trường hợp nghiêm trọng, lĩnh vực hình sự cũng có chế tài xử lý hành vi này.
2. Xử phạt gây rối trật tự công cộng trong lĩnh vực hành chính
Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng được quy định cụ thể và chi tiết lại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, hình thức xử phạt đối với hành vi này là phạt cảnh cáo, phạt tiền; phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.
2.1. Về hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền
Có 11 khung phạt tiền được áp dụng ở hành vi vi phạm này, mức tiền phạt có thể dao động thấp nhất là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 300.000 đồng đến mức cao nhất có thể lên tới 40.000.000 đồng.
Trong trường hợp ngoài hành vi vi phạm của các chủ thể, không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khung hình phạt, thì mức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi sẽ là mức trung bình của khung hình phạt.
2.2. Hình thức phạt bổ sung
Đối với từng hậu quả của hành vi, pháp luật sẽ quy định thêm các hình phạt bổ sung đối với chủ thể có hành vi gây rối trật tự công cộng. Hình phạt bổ sung đó có thể là:
Yêu cầu tịch thu tang vật, hoặc phương tiện gây ra hành vi vi phạm.
Buộc phải tước quyền sử dụng giấy phép của các cơ sở thiết kế, hoặc sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm của các cơ sở liên quan đến tàu bay và thiết bị tàu bay từ 03 đến 06 tháng;
Hoặc tước quyền sử dụng giấy phép bay từ 03 đến 06 tháng đối với chủ thể là người điều khiển tàu bay.
Trục xuất nếu chủ thể có hành vi vi phạm là người nước ngoài.
2.3. Các biện pháp khắc phục hậu quả
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi này có thể là:
Yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi phải khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Phải cải chính lại thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Buộc xin lỗi công khai.
Yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu hành vi đó gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Như vậy, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả mà chủ thể vi phạm đã thực hiện, chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra các chế tài xử phạt cho phù hợp.
3. Xử phạt gây rối về trật tự công cộng trong lĩnh vực hình sự
Đối với các hành vi gây rối trật tự công cộng có tính chất nguy hiểm, vượt quá mức cho phép trong phạm vi quy định của lĩnh vực hành chính, cơ quan Nhà nước có thể xem xét, kiểm tra để đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi này.
Theo đó, Điều 318 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về các chế tài xử phạt tội phạm liên quan đến việc gây rối trật tự công cộng cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên tới 02 năm đối với những người có hành vi gây rối trật tự công cộng làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh và an toàn xã hội, hoặc người đó đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc người vi phạm đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích nhưng vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm.
- Trong trường hợp có thêm tình tiết tăng nặng, người có hành vi vi phạm có thể sẽ bị phạt tù từ 02 đến 07 năm, nếu: đó là hành vi được thực hiện một cách bài bản và có tổ chức; hoặc/và người vi phạm có dùng thêm hung khí, vũ khí nhằm thực hiện việc phá phách; hoặc/và có hành vi mang tính chất cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ các hoạt động công cộng; hoặc/và có hành vi xúi giục thêm người khác phạm tội; hoặc/và hành hung người can ngăn, can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; hoặc/và hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi tái phạm nguy hiểm.
4. Dịch vụ tố tụng hình sự tại Phan Law Vietnam
Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tận tâm, nhiệt tình với chuyên môn cao, chúng tôi tự tin mang đến cho Quý khách hàng sự hài lòng tối đa khi sử dụng dịch vụ. Đến với dịch vụ tư vấn pháp lý về tố tụng hình sự của Luật sư tố tụng, Quý khách hàng sẽ được hỗ trợ các công việc liên quan đến: xác định tội danh cùng với khung hình phạt của nó theo quy định của pháp luật; hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo vệ cho chính khách hàng; tham gia bào chữa trước tòa; hay tư vấn các quy định về kháng cáo, kháng nghị; giảm nhẹ khung hình phạt; thi hành án, …