Cô gái cướp ngân hàng Techcombank 2,2 tỷ
Mục lục
Hiện nay có nhiều vụ cướp táo tợn diễn ra, đặc biệt các tội phạm hướng đến các ngân hàng vì số tiền lớn. Chúng thường trang bị rất nhiều thiết bị như bom, súng tự chế…Vậy hành vi của những cá nhân này cấu thành tội gì và mức án họ phải nhận là bao nhiêu? Chúng ta cùng phân tích vụ án cô gái cướp ngân hàng Techcombank để làm rõ vấn đề này.
1. Sơ lược về vụ án Cô gái cướp ngân hàng Techcombank 2,2 tỷ
Theo báo Tuổi trẻ đưa tin thì vụ cướp xảy ra khoảng 12h20 ngày 10-10-2020 tại phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) – chi nhánh Tân Bình, thuộc phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM.
Khi Thắng đến phòng giao dịch, bảo vệ nói hết giờ làm việc, nhưng Thắng nói dối xin vào bên trong lấy đồ bỏ quên rồi ra liền. Thắng đến chỗ quầy giao dịch (có hai nữ nhân viên), đặt túi xách lên quầy, lộ ra bình gas, chai xăng, dụng cụ khò lửa, dây đèn nháy…
Thắng lấy chai xăng đổ ra xung quanh, cầm dụng cụ khò lửa đưa lên đe dọa cho nổ “bom”, yêu cầu nhân viên đưa tiền. Quá bất ngờ và tránh rủi ro, nguy hiểm, nhân viên nhận dạng nữ nghi phạm và làm theo yêu cầu. Sau đó, Thắng mang túi xách gom tiền (khoảng 2,2 tỷ đồng) bước ra ngoài, khóa trái cửa phòng giao dịch, lên taxi rời đi…
Trong thời gian ngắn, khoảng 15h cùng ngày, công an đã bắt giữ Thắng cùng tang vật tại một siêu thị trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) khi Thắng đang ở quầy kim cương định mua trang sức. Khám xét nhanh, trong balô của Thắng có khoảng 2,2 tỷ đồng…
Tại cơ quan điều tra, Thắng khai là do túng quẫn nên nảy sinh ý nghĩ đi cướp tiệm vàng, ngân hàng trả nợ.
2. Hành vi cướp ngân hàng có thể cấu thành tội gì?
Như vụ việc trên cho thấy, hành vi phạm tội của nghi phạm sử dụng bom, uy hiếp các nhân viên giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản đã cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.
“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.“
Theo đó, tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tội cướp tài sản cùng lúc xâm hại đến quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe của công dân. Tội cướp tài sản bị truy tố ngay cả khi tội phạm chưa hoàn thành, tức là việc cướp ngân hàng bất thành vẫn bị truy tố theo quy định của pháp luật.
Tội phạm hoàn thành từ thời điểm có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản.
Khi xử lý những tội phạm cướp ngân hàng cần chú ý đến số tiền cướp được để Tòa án có thể định đoạt khung hình phạt thích đáng: nếu nghi phạm yêu cầu giao dịch viên đưa một số tiền cụ thể thì sẽ phải chịu trách nhiệm tăng nặng tương ứng với trị giá tài sản nhằm chiếm đoạt theo quy định tại Điều 168 BLHS. Nhưng nếu nghi phạm chỉ yêu cầu lấy tiền mà không yêu cầu bao nhiêu tiền thì có thể không bị truy tố tăng nặng với số tiền cướp được.
Khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là phạt tù 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu thuộc các trường hợp sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên…
Ngoài ra, đối tượng còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, đây là hình phạt bổ sung.