Rừng bị tàn phá như thế nào?
Mục lục
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,… ngày càng nghiêm trọng là hậu quả của việc phá rừng. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu rừng bị tàn phá gây ra những hậu quả gì?
1. Rừng bị tàn phá gây ra những hậu quả gì?
“Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng.” – Theo báo Người Lao động.
Rừng đóng vai trò như lớp bảo vệ mặt đất. Khi con người phá đi những khu rừng lớn, xói mòn đất có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Ở một số khu vực, đất bị xói mòn có thể dẫn đến những trận lở bùn, đất thảm khốc.
Khí nhà kính là những khí giữ nhiệt độ trong bầu khí quyển, dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Cây cối giúp hấp thụ carbon dioxide giúp cân bằng nhiệt độ. Lúc con người tàn phá rừng thì lượng khí carbon dioxide trong cây sẽ thải ra ngoài khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Biến đổi khí hậu toàn cầu do sự tích tụ khí nhà kính trong bầu khí quyển của Trái đất.
Xói mòn có thể làm tắc nghẽn đường dẫn nước và gây hư hỏng các công trình thủy điện và cơ sở hạ tầng thủy lợi. Ở một số khu vực khác, các vấn đề xói mòn đất do phá rừng dẫn đến các vấn đề canh tác và mất điện.
Việc phá rừng làm mất đi môi trường sống cho động vật hoang dã, nhiều loài động vật rơi vào tuyệt chủng vì không có nơi để sinh sống và phát triển.
Bên cạnh đó việc phá rừng, đốt rừng cũng làm chết số lượng lớn những loài động vật. Tiêu biểu như vụ cháy rừng ở Úc làm chết hàng loạt loài động vật. Từ đó làm giảm đa dạng sinh học, tuyệt chủng các giống loài quý hiếm, mất cân bằng hệ sinh thái.
Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.
Việc phá rừng gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện…
Rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung đang bị san bằng để làm thủy điện. Đây là một trong những khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn.
Việc biến đổi khí hậu gây ra rất nhiều hậu quả khó lường cho trái đất. Khí hậu thất thường khó phát triển nông nghiệp, băng tang nhanh, dịch bệnh tăng cao….
2. Những biện pháp khắc phục nạn phá rừng
2.1. Biện pháp phòng ngừa
Nhà nước cần cung cấp chi phí trồng rừng để người dân có trách nhiệm tham gia bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Nơi nào để xảy ra cháy rừng thì giảm trừ tiền hỗ trợ, khi đó người dân sẽ tự giác tham gia vào công cuộc phòng chống phá rừng.
Nâng cao nghiệp vụ của cơ quan chức năng bảo vệ rừng như kiểm lâm, cán bộ biên phòng,….
Mở rộng quỹ đất trồng rừng, không để quỹ đất ở, đất kinh tế lấn chiếm đất rừng, đặt biệt là rừng phòng hộ.
Tuyên truyền cho từng người dân biết tác hại của việc phá rừng.
Phổ biến pháp luật về tội phá rừng và các hành vi xử phạt thích đáng.
2.2. Biện pháp ngăn chặn
Kiểm lâm, bộ đội biên phòng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện chỉ đạo xử lý các vụ chặt phá rừng trên địa bàn.
Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để đưa ra những cảnh báo kịp thời đến người dân tránh những vụ cháy rừng do thời tiết.
Kịp thời phát hiện ngăn chặn các dự án, công trình lấn chiếm, cắt xẻ rừng để làm những khu du lịch sinh thái.
2.3. Biện pháp trừng phạt
Pháp luật có quy định những trường hợp phá rừng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Sau đây là các biện pháp khắc phục hậu quả có thể bị áp dụng nếu chặt phá rừng bị xử lý theo pháp luật hành chính:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
– Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
– Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
– Buộc trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng đến khi thành rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm hành chính;
– Buộc thu hồi chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã cấp;
– Buộc chi trả đầy đủ tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ việc chậm chi trả (nếu có) tương ứng với số tiền và thời gian chậm chi trả;
– Buộc chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho người nhận khoán bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết;
– Buộc tiêu hủy lô hạt giống, lô cây giống lâm nghiệp;
– Buộc đưa chất thải, hóa chất độc, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy ra khỏi rừng;
– Buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của pháp luật hoặc buộc lập dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
– Buộc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Buộc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
– Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên;
– Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.