Các biện pháp phòng chống mại dâm
Mại dâm là nhóm tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và là nguyên nhân gây ra các bệnh đường tình dục. Bài viết hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu các biện pháp phòng chống mại dâm hiện nay.
1. Mại dâm và những tác hại của mại dâm
Mại dâm được hiểu là hành động mua dâm, bán dâm. Mua dâm là “hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Còn bán dâm là “hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác”.
Hiện nay, mại dâm được hiểu rộng hơn, được dùng như một khái niệm để chỉ nhóm tội phạm liên quan đến hoạt động mua dâm, bán dâm như môi giới mại dâm, chứa chấp mại dâm….
Các khái niệm này đã được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm số 10/2003/Pl-UBTVQH11.
Mại dâm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả người bán dâm lẫn người mua dâm. Thông qua mại dâm, các bệnh tình dục lâ truyền rất nhanh như giang mai, lậu, HIV, AIDS, …
Việc dấn thân vào con đường mại dâm có thể trở thành con nô lệ của chủ chứa, bị bóc lột tình dục và trở thành nạn nhân của bọn tội phạm buôn bán người.
Mại dâm có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc, có thể mắc những bệnh như rối loạn nhân cách và rối loạn những cảm xúc tình dục tương ứng, cũng có thể bị tự kỷ, tự kỳ thị.
Việc mại dâm phát triển cũng ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, việc hình thành các thế giới ngầm thanh toán nhau, gán nợ nhau bằng phụ nữ có thể dẫn đến nhiều tội phạm khác phát triển như cướp tài sản, nuôn người, rửa tiền,….
Mại dâm làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc cũng như gây áp lực lên đội ngũ phòng chống tệ nạn của Trung ương và địa phương.
2. Các biện pháp phòng chống mại dâm


– Tăng cường việc truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, mọi gia đình, mọi cơ quan, mọi tổ chức. Cả xã hội chung tay phòng chống mại dâm và tạo điều kiện cho những người bán dâm quay trở lại hòa nhập cộng đồng.
– Tăng cường trách nhiệm của cán bộ địa phương trong việc phòng chống mại dâm. Tăng cường quản lý về an ninh trật tự. Theo dõi chặt chẽ tình hình của từng hộ gia đình, từng cá nhân trong hộ gia đình. Kiểm tra công tác hộ tịch, hộ khẩu, theo dõi biến động dân cư trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ các đối tượng có tiền án tiền sự, các đối tượng khả nghi khác.
– Quản lý chặt chẽ những ngành nghề kinh doanh có dính dán đến hoạt động mại dâm như karaoke, xoa bóp…. Kiểm soát chặt chẽ, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh những ngành nghề này để kịp thời phát hiện mại dâm và xử lý.
– Một mặt khác đối với những đối tượng bán dâm quay về cuộc sống bình thường, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện để họ có thể có nghề nghiệp để tái hòa nhập cộng đồng, thực hiện các biện pháp xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các gia đình thuộc diện khó khăn để họ vương lên trong cuộc sống, không phải đi vào con đường mại dâm.
– Bên cạnh những biện pháp như trên cũng cần xây dựng một hệ thống pháp luật với những chế tài nghiêm khắc, trừng trị những hành vi trái pháp luật.
3. Những tội trong nhóm tội mại dâm


Tội chứa mại dâm được quy định trong Bộ Luật Hình Sự 2015 Điều 327.
– Hành vi chứa mại dâm bị phạt tù từ 1 năm đến tù chung thân.
Ngoài ra thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hành vi môi giới mại dâm sẽ có hình phạt như sau:
– Người nào làm trung gian dụ dỗ, dẫn dắt để người khác thực hiện việc mua dâm, bán dâm, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội mua bán dâm có thể bị xử lý hành chính. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi mua dâm được quy định cụ thể tại Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng chống mại dâm.
Nếu mua dâm người dưới 18 tuổi thì có thể bị xử lý hình sự quy định tại Điều 329 Bộ Luật Hình Sự 2015:
Hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi có thể bị phạt từ từ 1 năm đến 15 năm.
Ngoài ra người phạm tội mua dâm với người dưới 18 tuổi còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy theo mức độ, tính chất phạm tội.
Tương tự như tội mua dâm, tội bán dâm cũng bị xử lý theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003. Các biện pháp xử phạt hành chính như sau: cải tạo, giáo dục tại địa phương, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể đưa đến cơ sở chữa bệnh.
Nếu người bán dâm biết rõ mình bị nhiễm HIV mà vẫn cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.