Dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Mục lục
Trong xã hội phát triển vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày tăng cao. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Để truy tố tội danh này cần xác định dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1.1. Mặt khách quan
Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và người bị hại không biết đó là hành vi gian dối.
– Thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả như: lời nói, viết thư, hoặc bằng hành động không đúng sự thật làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Hiện nay dưới sự phát triển của công nghệ thì các dấu hiệu tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tăng.
– Thủ đoạn gian dối phải thực hiện trước khi diễn ra việc chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi gian dối phát sinh sau khi có được tài sản thì sẽ truy tố tội danh khác ví dụ như Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,…
– Dựa vào thủ đoạn gian dối để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái phép. Thời điểm tội phạm hoàn thành được tính từ lúc tài sản được chiếm giữ sau khi sử dụng thủ đoạn gian dối.
– Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phải có cả hai hành vi là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản.
1.2. Mặt chủ quan
Tội phạm thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả và mong muốn cho hậu quả xảy ra.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.
1.3. Khách thể của tội phạm
Hành vi chiếm đoạt tài sản xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân.
Việc xâm phạm sở hữu cũng thể hiện ở việc chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác khi lấy tài sản.
1.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều 12 BLHS về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
2. Hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
2.1. Hình phạt chính
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có các khung hình phạt sau:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
– Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
Tái phạm nguy hiểm;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
– Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
2.2. Hình phạt bổ sung
Người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.3. Hình phạt hành chính
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP; hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể phải chịu mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.