Những hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội
Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với những đối tượng phạm các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trước đây, trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra cho cá nhân nhưng tại BLHS 2015, các nhà làm luật đã bổ sung thêm khái niệm pháp nhân thương mại. Đây là đối tượng cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đồng thời Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định các hình phạt áp dụng đối với các trường hợp pháp nhân phạm tội.
Có thể bạn quan tâm
Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội
————————————————————————————————————————————–
Pháp nhân là một thực thể vô hình, không thể nhìn thấy hay nắm giữ được nên các hình phạt đặc thù được áp dụng cho cá nhân phạm tội như phạt tù, cải tạo không giam giữ, tử hình…không thể áp dụng đối với các pháp nhân phạm tội.
Do đó, Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định một số hình phạt chính được áp dụng cho các pháp nhân phạm tội như sau:
– Phạt tiền;
– Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đối với mỗi tội, pháp nhân phạm tội chỉ phải chịu một hình phạt chính nhưng có thể chịu một hoặc một số hình phạt sung. Các hình phạt bổ sung được quy định cho pháp nhân như sau:
– Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
– Cấm huy động vốn;
– Phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.
Việc gánh chịu các hình phạt theo quy định của BLHS 2015 không làm chấm dứt sự tồn tại của các pháp nhân phạm tội mà chỉ bị chấm dứt tồn tại theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:
a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;
b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan..
Việc quy định trách nhiệm hình sự nói chung và các hình phạt dành riêng cho pháp nhân phạm tội đã cho thấy quan niệm về tội phạm của pháp luật Việt Nam đã thay đổi. Sự thay đổi này đã tạo ra một môi trường pháp lý công bằng cho đất nước, nâng cao trách nhiệm, ý thức tôn trọng pháp luật của pháp nhân.