Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân phạm tội
Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm và hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, các nhà làm Luật đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự 2015 những vấn đề về đối tượng pháp nhân phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, bên cạnh việc cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội do mình gây ra thì giờ đây, các pháp nhân phạm tội nếu vi phạm các quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 sẽ trở thành pháp nhân phạm tội và phải gánh chịu những hình phạt nhất định của pháp luật.
Việc đưa pháp nhân trở thành đối tượng chịu trách nhiệm hình sự là một điểm mới rất đáng chú ý của Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, cần phải hiểu một cách chính xác “pháp nhân” mà các nhà làm luật đề cập trong Bộ luật Hình sự 2015 là “pháp nhân thương mại” chứ không phải là “pháp nhân” nói chung.
Điều đó có nghĩa rằng, Bộ luật Hình sự 2015 chỉ đặt ra trách nhiệm hình sự đối với những pháp nhân thương mại (bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác), còn đối với các pháp nhân phi thương mại (như các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp… ) thì không nằm trong đối tượng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự 2015.
Các nhà làm luật cũng quy định những điều kiện nhất định trong Bộ luật Hình sự 2015 để xác định một pháp nhân thương mại khi nào sẽ trở thành pháp nhân phạm tội. Theo đó, pháp nhân thương mại được xem là phạm tội khi thực hiện hành vi có đầy đủ các điều kiện dưới đây:
– Thứ nhất: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
– Thứ hai: Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
– Thứ ba: Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
– Thứ tư: Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015.
Từ những phân tích trên có thể thấy, không phải cứ là pháp nhân nào khi vi phạm pháp luật đều có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự, mà chỉ những pháp nhân thương mại thực hiện hành vi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì mới bị xem là một pháp nhân phạm tội.
Việc Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung các quy định về việc xử lý hình sự các pháp nhân phạm tội đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế phát triển, các pháp nhân thương mại ngày càng thực hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội thì các quy định này được ban hành đã mang tính răn đe cao, góp phần phòng chống tội phạm do các pháp nhân thương mại thực hiện.