Xâm phạm nhà ở bất hợp pháp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Mục lục
Xâm phạm nhà ở bất hợp pháp là gì? Liệu có cấu thành tội phạm hay không? Nếu xử phạt hành chính thì mức phạt là bao nhiêu? Khi nhà ở bị xâm phạm bất hợp pháp thì cần làm gì? Cùng chúng tôi theo nội dung bài viết dưới đây để giải đáp các thắc mắc trên nhé.
1. Cơ sở pháp lý
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
2. Thế nào là xâm phạm nhà ở?
Theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013 có quy định cụ thể như sau:
“Điều 22.
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Như vậy, xâm phạm nhà ở bất hợp pháp là việc xâm nhập trái với quy định trên. Tức là tự ý xâm phạm vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ.
Tại Điều 22 Hiến pháp 2013 đã nhấn mạnh rằng mọi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp và mọi người để có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được sự đồng ý. Việc khám xét chỗ ở cũng phải được thực hiện theo quy định pháp luật. Do vậy, người xâm phạm chỗ ở hợp pháp của người khác có thể bị xử lý về tội xâm phạm chỗ ở.
3. Hành vi nào được coi là xâm phạm chỗ ở của người khác?
Căn cứ theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về các hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân, theo đó bao gồm:
- Khám trái phép chỗ ở của công dân: Đây được hiểu là hành vi lục soát, tìm kiếm người, đồ vật, tài sản,… trong phạm vi chỗ ở của người khác mà không được pháp luật cho phép như:
- Không có lệnh khám xét chỗ ở, hay mặc dù có lệnh nhưng lệnh đó không hợp pháp hoặc không thực hiện đúng thủ tục khám xét…
- Ví dụ: Nghi ngờ người khác lấy trộm đồ của mình nên đã tự ý tiến hành lục soát, tìm kiếm…
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ: Là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác nhằm buộc người khác ra khỏi nơi họ đang ở.
- Hành vi đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ có thể được thực hiện bởi cả những người không có chức vụ, quyền hạn và người có chức vụ, quyền hạn.
- Ví dụ: Tranh chấp thừa kế, tranh chấp trong trong quan hệ thuê nhà, mượn nhà… nên người thừa kế đã đuổi người đang thuê, đang mượn nhà ra ngoài.
- Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ. Ví dụ: Chủ nợ siết nợ, giữ nhà của người nợ…
- Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác…
Theo đó, đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của công dân, gồm: Nhà ở, ký túc xá, tàu, thuyền mà người dân sinh sống trên đó…
4. Xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp bị xử lý như thế nào?
Việc xâm phạm chỗ ở của người khác một cách bất hợp pháp có thể bị xử phạt hành chính và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu như có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật.
4.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Trong trường hợp không đạt đến mức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hình sự, hành vi vi phạm quyền sở hữu của người khác có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác hiện chưa rõ ràng. Pháp luật chỉ đề cập cụ thể đến một số trường hợp trong Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Theo điểm c, khoản 5, Điều 12 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng nếu họ thực hiện các hành vi như “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm mục đích đe dọa, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Cũng theo điểm e, khoản 2, Điều 15 của cùng Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi “cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” có thể bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc áp dụng những khoản phạt này trong trường hợp xâm phạm chỗ ở của người khác vẫn còn nhiều mơ hồ do pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm hành chính trong tình huống này.
4.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Về xử lý vi phạm, hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;
c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;
d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, cá nhân có hành vi xâm phạm vào chỗ ở người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Dịch vụ hỗ trợ pháp lý khi bị xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp
Nếu bạn đang gặp trường hợp có người xâm phạm nhà ở một cách bất hợp pháp thì hãy liên hệ ngay với Luật sư Tố tụng của chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời. Chúng tôi hội tụ đầy đủ các Luật sư giàu kinh nghiệm, kiến thức sâu, đã giải quyết thành công rất nhiều trường hợp xâm phạm nhà ở bất hợp pháp và được Quý Khách hàng tin tưởng.