Xâm hại quyền riêng tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Mục lục
Quyền riêng tư là quyền của mỗi cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Vậy xâm hại quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Làm thế nào để bảo vệ quyền riêng tư của mình khi bị xâm phạm? Cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc trên qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
2. Xâm hại quyền riêng tư là gì?
Hiểu đơn giản thì xâm hại quyền riêng tư chính là việc can thiệp hoặc xâm phạm vào cuộc sống cá nhân, thông tin, hoặc không gian riêng tư của một người mà không có sự cho phép hoặc đồng tình của họ. Điều này có thể xảy ra qua nhiều cách, bao gồm việc thu thập thông tin cá nhân mà không có sự đồng tình của người đó, theo dõi hoạt động cá nhân của họ mà không được phép, công bố thông tin riêng tư một cách không đúng đắn, hoặc xâm phạm vào không gian riêng tư của họ.
3. Quy định pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của người khác
Quyền riêng tư của mỗi người được pháp luật bảo vệ và khẳng định ngay tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 như sau:
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
– Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Mặt khác, tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm. Mỗi người đều phải tôn trọng, nếu xâm phạm quyền riêng tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4. Xâm hại quyền riêng tư có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Người nào có hành vi xâm hại quyền riêng tư của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;
c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;
d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;
đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
đ) Làm nạn nhân tự sát.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định này thì người có hành vi xâm hại quyền riêng tư có thể có hành vi vi phạm khác nhau nên mức phạt tù cũng sẽ khác nhau. Mức phạt tù tối thiểu là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất là 03 năm. Trường hợp người phạm tội đang đảm nhiệm chức vụ thì có thể bị cấm đảm nhiệm từ 01 đến 05 năm.
Như vậy, để bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, điều đầu tiên là chính bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm tự bảo vệ các quyền của mình. Đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật để tự phòng ngừa tránh những hậu quả không đáng có.
5. Dịch vụ hỗ trợ giải quyết khi quyền riêng tư bị xâm phạm
Văn phòng luật sư chúng tôi có hơn 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý khi giải quyết vụ việc liên quan đến hình sự, dân sự, hôn nhan và gia đình, kinh doanh… Nếu quyền riêng tư của bạn đang bị xâm phạm, hãy liên hệ ngay với Luật sư Tố tụng để được hỗ trợ và tư vấn kịp thời nhé.