Đối tượng, phương pháp điều chỉnh và nguyên tắc của luật tố tụng dân sự
Mục lục
Luật Tố tụng dân sự là ngành luật độc lập điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa Toà án, Viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng trong quá trình toà án giải quyết án dân sự và thi hành án dân sự. Vì vậy Luật tố tụng dân sự đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ tranh tụng. Trong bài viết này chúng tôi thông tin đến các bạn đối tượng và phương pháp điều chỉnh và nguyên tắc của luật tố tụng dân sự.
1. Luật tố tụng dân sự và những khái niệm cơ bản
Luật tố tụng dân sự là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam ở đó tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự liên quan đến nhân thân và tài sản.
Luật tố tụng dân sự bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, những người tham gia tố tụng, những người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự khác.
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự là quan hệ giữa Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người phiên dịch, người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định, người định giá tài sản và người liên quan phát sinh trong tố tụng dân sự.
Trong đó có thể chia thành nhiều loại như sau:
- Quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án với đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể khác có liên quan;
- Quan hệ giữa giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án với nhau;
- Quan hệ giữa đương sự với các chủ thể khác có liên quan.
Có thể thấy những mối quan hệ trên không mang tính chất bình đẳng. Cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án mang tính chất quyền uy, mệnh lệnh và đóng vai trò mang tính chất quyết định trong việc giải quyết vụ việc dân sự.
3. Phương pháp điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Phương pháp điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự phụ thuộc rất nhiều vào tính chất và đặc điểm của các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Do đó đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự mang tính chất bảo vệ pháp luật cũng như các cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án.
3.1. Phương pháp mệnh lệnh
Phương pháp mệnh lệnh phát sinh là vì địa vị của của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự và các chủ thể khác trong tố tụng không giống nhau, các chủ thể khác đều phải phục tùng Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự. Pháp luật tố tụng dân sự quy định như vậy là xuất phát ở chỗ Toà án, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, giải quyết vụ việc dân sự, tổ chức thi hành án dân sự và kiểm sát các hoạt động tố tụng.
Các quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án mang tính chất quyết định, có giá trị bắt buộc nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
Để thực hiện chức năng và quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án không thể nào bình đẳng với các chủ thể khác.
3.2. Phương pháp định đoạt
Ngoài phương pháp mệnh lệnh, luật tố tụng dân sự còn dùng phương pháp định đoạt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đang tranh chấp. Các chủ thể của các quan hệ này có quyền tự quyết định quyền lợi của mình khi tham gia vào các quan hệ đó.
Phương pháp định đoạt được thể hiện ở việc khi quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hay tranh chấp các đương sự tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Toà án giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án, các đương sự vẫn có thể thương lượng, thỏa thuận những vấn đề tranh chấp, rút đơn yêu cầu hay đơn khởi kiện hoặc cũng có thể yêu cầu không thi hành án nữa.
4. Nguyên tắc đặc thù của Luật tố tụng dân sự
- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác theo quy định tại Điều 4 Bộ Luật tố tụng dân sự;
- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự: Xuất phát từ phương pháp định đoạt trong pháp luật dân sự thì đương sự có quyền quyết định việc có khỏi kiện hay không và Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện; Trong suốt quá trình khởi kiện đương sự cũng có quyền yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt việc khởi kiện;
- Quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự được quy định tại Điều 6 Bộ Luật tố tụng dân sự. Tòa án chỉ có nghĩa vụ hỗ trợ thu thập chứng cứ chứng minh;
- Bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự. Tòa án tạo điều kiện cho đương sự thực hiện được tất cả quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật;
- Hòa giải trong tố tụng dân sự: Được quy định trong điều 10 Bộ Luật tố tụng dân sự, xuất phát từ nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự.